Trật khỏi chuỗi giá trị toàn cầu
Sự thành công trong phát triển của Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân. Nếu như năm 2000, khu vực tư nhân trong nước đóng góp 22,9% trong tổng vốn đầu tư thì đến năm 2013 đã đóng góp 37,6%, tạo ra 14,5 triệu việc làm và chiếm 76,7% tổng số việc làm phi nông nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, Việt Nam tập trung gia tăng số lượng DN mới nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực cho các DN đang hoạt động. Hầu hết DN vẫn hướng về thị trường nội địa hoặc chỉ đang xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% giá trị xuất khẩu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do quy mô nhỏ nên có rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Xu hướng Việt Nam thiếu các DN có quy mô lớn vẫn tiếp tục gia tăng, xét cả theo tiêu chí lao động và vốn. Giai đoạn 2007 - 2012, số lượng lao động bình quân trong DN đã giảm từ 47 xuống còn 32 người. Năm 2012, lần đầu tiên, quy mô vốn bình quân của DN giảm trong vòng 10 năm trở lại đây, quy mô vốn của DN ngoài nhà nước giảm 3,6%, từ 25 tỷ đồng xuống 24 tỷ đồng. Đặc điểm này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng, cho thấy rõ một xu hướng là các DN nhỏ trong nước đang gặp khó khăn để lớn lên thành DN vừa.
Do thiếu vắng các DN khu vực tư nhân Việt Nam có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã bị phá vỡ và phân mảnh. Sự tham gia của các DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế của quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của ADBI cho thấy, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) so với con số 60% tại những nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan; 21% DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.
Quy mô DN sẽ quyết định khả năng tận dụng được những lợi thế theo quy tắc “kinh tế quy mô”. Tỷ lệ xuất khẩu của DNNVV trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp hơn so với DN lớn: nói chung là 23% so với 77%. Do đó, câu hỏi lớn được đặt ra tại Hội nghị Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 vừa qua là DN Việt Nam phải làm gì để gia nhập và duy trì vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ quá trình này, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển?
Do đâu?
Nguyên nhân của tình trạng này có thể thấy rất rõ. Đó là các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả. Khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; hệ thống pháp luật về hợp đồng, thực thi hợp đồng, giao dịch đảm bảo, cơ chế giải quyết tranh chấp và rút khỏi thị trường chưa rõ ràng và hiệu quả.
Hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt hỗ trợ DNNVV còn tản mát, quy mô chưa đủ lớn. Nhiều vấn đề nổi cộm đã được đề cập như mục tiêu chính sách chưa nhất quán. Các chính sách hiện hành dường như tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp chứ chưa phải cho sự tăng trưởng của các DN.
Các chính sách ưu đãi cho các DN nhiều nhưng chưa giúp cho DN vượt qua cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Trong một số trường hợp, DNNVV có thể được ưu đãi hơn so với các DN lớn nhưng lại thường làm cho các DN không có động lực trở nên lớn hơn, trừ phi quy mô lớn đến mức mang lại lợi thế hơn hẳn. Trên thực tế, sự hỗ trợ mà các DN trông đợi nhiều hơn đó là việc tiếp cận những nguồn lực đầu vào hoặc thị trường đầu ra.
Một vấn đề khác là vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế. Trên thế giới, phần lớn cụm DN được hình thành từ quan hệ tự nhiên trong chuỗi cung ứng và phát triển thành các cụm công nghiệp. Điều này đã giúp các DN nhỏ mở rộng quy mô, kết nối trực tiếp với thị trường công nghiệp, cơ sở hạ tầng về logistics để xuất khẩu và do vậy chi phí đầu vào được tiết kiệm một cách tối đa. Các dịch vụ ngân hàng, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh cũng thường được sẵn sàng để phục vụ tại các cụm công nghiệp tạo nên một “tổ hợp sản xuất” khai thác lợi thế cạnh tranh ở địa phương.
Thực tế, ở Việt Nam, rất hiếm khu, cụm công nghiệp có sẵn cơ sở hạ tầng có mặt bằng từ 200 - 300 m2, hay những khu nhà xưởng có sẵn dành cho các DNNVV thuê. Kết quả, các DNNVV phải tốn rất nhiều công sức, chi phí, làm đầy đủ các thủ tục tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, nhà xưởng, công nghệ, điện nước…) như các DN lớn và đương nhiên sẽ khó có thể tập trung vào phát triển thị trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, nhân lực cấp cao - giám đốc điều hành cao cấp tại các DN Việt Nam phần lớn chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh một cách bài bản, gắn với thực tế sản xuất - kinh doanh. Hầu hết giám đốc DN điều hành công việc kinh doanh theo kiểu “thuận tiện”. Năng lực xây dựng chính sách và thực thi chính sách phát triển DN của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước chưa cao, đặc biệt là ở các địa phương chưa theo kịp được sự vận động của quy luật thị trường, tạo ra một số cản trở đối với các DN. Điều đặc biệt quan ngại hiện nay là trình độ học vấn và đào tạo kỹ thuật, chuyên môn của lực lượng lao động còn thấp và nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động nội bộ tại DN, hệ quả là DN khó có thể bứt phá được.
Một nguyên nhân nữa là trình độ công nghệ thấp. DN có trình độ công nghệ cao sẽ có nhiều khả năng thành công trong mạng lưới sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung, mức độ sử dụng công nghệ của đa số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Tỉ trọng hàng hóa công nghệ cao đang tăng nhưng với tốc độ chậm, phần lớn hàng xuất khẩu gần như không sử dụng chút công nghệ nào.
Tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn khó khăn và chi phí cao. Các DNNVV thường phải tiếp cận các nguồn phi chính thức với lãi suất cao hơn và trở nên không có lợi thế về chi phí. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam tìm kiếm nguồn tài chính chủ yếu từ các ngân hàng. Hoạt động của các công ty tài chính, các quỹ đầu tư khá hạn chế và ít được DN chú ý.
Phải làm gì?
Để Việt Nam có thêm DN vừa và lớn, rất nhiều khuyến nghị đã được đưa ra tại Hội nghị vừa qua, tập trung vào 6 nhóm giải pháp.
Trước hết là đổi mới thể chế, tạo điều kiện phát triển DN tư nhân như nghiên cứu ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV với mục tiêu không chỉ chú trọng tăng nhanh số lượng, quy mô mà tập trung hơn về cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực DN, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân DN và trợ giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường, hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ban hành Nghị định về công nghiệp hỗ trợ để có những giải pháp có tính đột phá ở một số ngành, sản phẩm trọng điểm, để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân.
Nghiên cứu ban hành Nghị định riêng về Hiệp hội DN. Nâng cao vai trò của các hiệp hội DN trong việc giám sát chất lượng và xác nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN hội viên; khuyến khích chia sẻ chi phí để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, phát triển thương hiệu chung và tiếp nhận các dịch vụ công từ khu vực Nhà nước, khuyến khích phát triển các hiệp hội DN tham gia vào các hiệp hội ngành nghề trong khu vực và quốc tế.
Hai là phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng dành cho DNNVV và các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhóm giải pháp về xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực như thành lập Học viện đào tạo giám đốc. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới bắt đầu là ở Anh và hiện khá phổ biến ở các nước ASEAN. Tăng cường đội ngũ chuyên gia hỗ trợ các DN thông qua các nhóm chuyên gia tình nguyện từ nước ngoài, kết nối với các Việt kiều, các sinh viên Việt Nam tư nghiệp ở nước ngoài; cử các kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam sang tham gia làm việc và học hỏi các nước. Nâng cao kỹ năng lao động để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước trong thiết kế chính sách, quy hoạch và thực hiện phát triển kinh tế vùng và thực thi chính sách.
Hỗ trợ tài chính cho khu vực tư nhân, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm. Thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, tạo điều kiện hình thành các DN quy mô lớn...