Sau 13 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Giá trị vốn hóa thị trường của 2 sàn chứng khoán đến giữa năm 2013 đạt gần 43 tỷ USD, tương đương 31,5% GDP năm 2012.
Tuy nhiên, so với TTCK một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, TTCK Việt Nam có quy mô nhỏ bé và vẫn nằm trong nhóm các TTCK cận biên (frontier market), chứ chưa được xếp vào nhóm thị trường mới nổi (emerging market). Để TTCK Việt Nam trở thành con Rồng lớn ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Dù TTCK Việt Nam đang dần “ấm” lại, với mức tăng ấn tượng của các chỉ số, khi nằm trong Top 15 TTCK có mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2013, nhưng sức hút của thị trường lại đang giảm dần. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 7 công ty được niêm yết mới, trong khi có hơn 20 công ty và 1 chứng chỉ quỹ tiến hành hủy niêm yết. Điều đáng nói là xuất hiện tình trạng nhiều công ty có ý định tự nguyện hủy niêm yết. Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc niêm yết không đem lại những lợi ích như kỳ vọng của DN. Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 2.344 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2012; giá trị đấu giá cổ phần hóa chỉ đạt 420 tỷ đồng. Những con số trên phần nào cho thấy TTCK không hoàn toàn đáp ứng về nhu cầu vốn của các DN và DN vẫn phải tìm đến ngân hàng như một kênh tài trợ chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu 6 tháng đầu năm 2013 đạt 2.344 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2012
Có lẽ tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của TTCK không còn nằm trong mức tăng điểm của các chỉ số hay giá trị vốn hóa, mà quan trọng hơn chính là cơ sở hạ tầng để phát triển. Chính vì vậy, để TTCK Việt Nam phát triển vững mạnh trong khu vực, cần phải phát triển trên 4 chủ thể chính: nhà làm luật, NĐT, DN và CTCK.
Tăng tính độc lập cho UBCK
Có thể nói, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là chủ thể quan trọng nhất quyết định sự phát triển của một TTCK, vì đây là cơ quan tạo lập hành lang pháp lý cho thị trường. Thực tế, sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 13 năm qua còn chậm vì hành lang pháp lý có nhiều điểm chưa hoàn thiện, dẫn đến nhiều vi phạm như tình trạng chậm hoặc vi phạm công bố thông tin; hoạt động thao túng giá chứng khoán; DN khó phát hành cổ phiếu vì luật chồng chéo…
Chính vì vậy, một UBCK độc lập là điều Việt Nam cần hướng đến. Nhìn lại hoạt động của UBCK trong 13 năm qua, chúng ta nhận thấy, cơ quan này chưa “hoạt động hết công suất”, khi vẫn là một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Do không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy, nên các quyết sách UBCK ban hành chủ yếu là kéo dài thời gian giao dịch, thay đổi một số lệnh, biên độ dao động giá, thời gian thanh toán… NĐT vẫn mòn mỏi chờ ngày ra đời của TTCK phái sinh, hoặc sự hoàn thiện của các loại lệnh như lệnh dừng lỗ, nâng cao khả năng thanh toán (giao dịch trong ngày), các bộ chỉ số chứng khoán hoàn thiện hơn, hay cao hơn là tiêu chuẩn hay điều kiện niêm yết để chọn lọc hàng hóa niêm yết chất lượng hơn. Khả năng bảo vệ NĐT, nhất là NĐT nhỏ của cơ quan này gần như vẫn chưa được cải thiện.
Một thực tế khiến chúng ta khó có thể mong đợi Bộ Tài chính sẽ mang lại nhiều đột biến cho TTCK khi cơ quan này hiện được ví như một “siêu bộ”, với quá nhiều cơ quan quan trọng của nền kinh tế như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... Trong khi đó, UBCK thường gặp khó khăn khi phối hợp với các cơ quan ngang Bộ khác trong việc kiểm soát các hành vi thao túng giá, gian lận trong công bố thông tin, gây ảnh hưởng lớn hoặc chống chuyển giá, rửa tiền…
Phát triển NĐT
NĐT là một chủ thể trên TTCK. Sự phát triển của một TTCK là nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đầu tư của NĐT và đa dạng hóa các dạng NĐT là điều cần thiết, nhằm thu hút nguồn vốn cho TTCK. Tuy nhiên, thực tế, đa phần NĐT tham gia thị trường là cá nhân, trong khi bóng dáng của các NĐT tổ chức còn chưa nhiều. Để hình thành nên các NĐT tổ chức, Việt Nam cần phát triển các loại hình quỹ đầu tư. Cần thiết nhất, có lẽ là quỹ đầu tư tương hỗ (mutual fund) vốn được các nước phát triển rất mạnh và thu hút các NĐT cá nhân tham gia. Tại một số nước trong khu vực như Thái Lan , Indonesia , Malaysia , Philippines đều đã xuất hiện quỹ tương hỗ. Đối với các NĐT tổ chức lớn, có tính chuyên nghiệp cao, có thể phát triển thêm các quỹ đầu tư phòng ngừa (hedge fund) nhằm đa dạng hóa hơn nữa hình thức đầu tư.
Việc phát triển NĐT không đơn thuần là hình thành nhiều quỹ đầu tư, mà còn có thể hình thành các NĐT đạt chuẩn. Ở Mỹ, các NĐT đạt chuẩn sẽ được dành nhiều ưu tiên. Ở Trung Quốc, các NĐT nước ngoài cũng phải nằm trong nhóm đạt chuẩn mới được phép đầu tư vào nhóm cổ phiếu hạng A. Các tổ chức tài chính hay có nguồn tiền nhàn rỗi khi tham gia thị trường đều phải thông qua các tổ chức đầu tư đạt chuẩn, vì luật đã có quy định, hoạt động kinh doanh chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, điều đáng buồn cho TTCK Việt Nam là dòng tiền đổ vào TTCK một cách không chuyên nghiệp. Đọc trên báo cáo tài chính của nhiều DN niêm yết hay các ngân hàng đều thấy hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán. Nhiều DN, tổ chức đã sa lầy trong hoạt động không phải thế mạnh của mình và hậu quả thua lỗ, các cổ đông, nhà đầu tư của DN phải gánh chịu.
Tái cấu trúc khối CTCK
Hoạt động của các CTCK đang cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ. Trong số hơn 100 CTCK được thành lập, hiện chỉ có chưa đầy 20 công ty còn hoạt động khá tốt, còn lại phần lớn hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng giao dịch. Vì vậy, tinh gọn quy mô khối CTCK là điều cần thiết.
Tái cấu trúc các nghiệp vụ hoạt động của các CTCK cũng là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Việc cho phép các CTCK thực hiện cả 5 nghiệp vụ đã tạo nên những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các CTCK. Trên thế giới, xu hướng cải cách hệ thống tài chính (chẳng hạn như Đạo luật Dodd-Frank) là tạo ra vách ngăn giữa hoạt động tự doanh, ngân hàng đầu tư và hoạt động ngân hàng thương mại bình thường.
Việc phân tích các lĩnh vực hoạt động sẽ giúp TTCK Việt Nam phát triển nhiều dịch vụ có chất lượng cho khách hàng. Thực trạng hoạt động phân tích, tư vấn là một ví dụ. Một thực tế là các báo cáo phân tích tại Việt Nam gần như do các CTCK cung cấp nên rất dễ xảy ra các đánh giá thiếu tính khách quan. Việc không tạo ra môi trường minh bạch cho các nhà phân tích dẫn đến các đánh giá phân tích đôi khi là nhằm mục đích thao túng giá. Ở các nước phát triển như Mỹ, hệ thống các nhà phân tích độc lập phát triển rất mạnh, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho NĐT.
Tăng cường tính minh bạch của DN
Vấn đề thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu minh bạch là thực trạng đang diễn ra phổ biến tại TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng này phải đến từ cả hai phía: nhà làm luật và DN. DN ý thức được lợi ích của việc quản trị các luồng thông tin đến NĐT là một phần công việc quan trọng nhằm gia tăng giá trị của DN. Chính vì vậy, tuân thủ các chuẩn mực công bố thông tin và chủ động cung cấp thông tin cho NĐT là điều cần thiết.
Trong khi đó, phía cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn với các trường hợp vi phạm công bố thông tin. Ở các nước phát triển như Mỹ, hoạt động công bố thông tin là một trong những tiêu chí quan trọng để duy trì niêm yết theo từng nhóm sàn giao dịch. Việc phân chia DN niêm yết theo từng cấp độ cũng là điều cần thiết để tạo nên niềm tin từ phía NĐT.