Làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu dịch vụ 12 tỷ USD vào năm 2010?

(ĐTCK-online)Trong nhiều năm gần đây, dịch vụ (DV) và xuất khẩu DV của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc. Từ chỗ chỉ có số DV đếm trên đầu ngón tay do doanh nghiệp (DN) nhà nước độc quyền kinh doanh, thì nay đã có tới 70 loại hình DV do nhiều DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Thị trường xuất khẩu DV ngày càng mở rộng, với sản phẩm có vị thế nhất định.

Trong 5 năm qua (2001-2005), xuất khẩu DV của Việt Nam đạt 21,824 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn này. Tuy vậy, chất lượng của không ít DV do DN Việt Nam cung cấp còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế...

Theo nhiều chuyên gia thương mại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do chiến lược, cơ chế chính sách chưa đủ, chưa đồng bộ, nên việc điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng,  việc cấp phép hoạt động hành nghề còn nhiêu khê, phiền hà... Hiện có tới 70 loại hình DV, song lại chỉ có gần 10 dịch vụ được thống kê đầy đủ, số còn lại bị gom hết vào nhóm... “các DV khác”, nên chưa đủ dữ liệu để phân tích, xây dựng quy hoạch, chính sách và điều hành cho từng loại DV. Thêm vào đó, không ít người còn cho rằng, lĩnh vực DV chỉ để... vui chơi giải trí, moi tiền thiên hạ, là nghề... hầu hạ, nên có phần coi nhẹ. Cơ sở hạ tầng thì vừa có tình trạng chậm khai thác, khai thác cầm chừng, vừa có hiện tượng “bóc ngắn, cắn dài”. Lớp nhân viên lớn tuổi, không nắm vững nghiệp vụ phần lớn vẫn đang tại vị, trong khi lực lượng nhân viên, cán bộ trẻ có kiến thức, nắm vững ngoại ngữ lại không được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy. Vì thế mới nảy sinh ra tình trạng là thiếu những nhà quản lý cao cấp giữ các chức vụ chủ chốt, nên phải thuê... người nước ngoài.

Đó là chưa kể do thiếu thông tin, nên có trường hợp DN nước ngoài “đón lõng” đơn hàng từ nước ngoài, “hớt tay trên” các các hợp đồng gốc rồi thuê lại các DN DV của Việt Nam làm thầu phụ với giá rẻ mạt...

Tựu trung là, kim ngạch xuất khẩu DV của Việt Nam tuy có tăng, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hoá và đặc biệt là tỷ trọng của xuất khẩu DV trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ở giai đoạn 2001 - 2005 mới chỉ là 10,8%, trong khi tỷ trọng trung bình của các nước phát triển thường trên dưới 40%.

Tiềm năng về phát triển và xuất khẩu DV còn lớn, song theo lộ trình cam kết hội nhập quốc tế, thị trường DV của Việt Nam sẽ mở rộng cửa và tất nhiên, sẽ có nhiều tập đoàn DV nước ngoài có tên tuổi nhảy vào. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu DV tăng bình quân 16,3%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và đạt 12 tỷ USD vào năm 2010 thì cần phải tính đến những giải pháp nào?

Theo các chuyên gia, trước hết cần rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách thuế, đầu tư, thế chấp, tín dụng... nhằm khuyến khích việc tích tụ và tập trung mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho DV để hình thành các tập đoàn mạnh; xây dựng thương hiệu DV quốc gia; chấn chỉnh công tác hạch toán - thống kê DV theo chuẩn quốc tế...

Hơn thế nữa, cần xây mới hoặc đầu tư chiều sâu cơ sở hiện có, làm “đẹp” sản phẩm DV bằng chất lượng tốt, phong cách điều hành chuyên nghiệp, tay nghề thành thạo, thái độ phục vụ văn minh, để các tổ chức và cá nhân nước ngoài đến Việt Nam dùng DV của Việt Nam...

Bên cạnh đó, cần kết hợp xúc tiến DV với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; xây dựng mạng lưới cộng tác viên về tiếp thị DV thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào. Theo phương châm quốc tế hoá và xã hội hoá, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết về DV và đào tạo nguồn lực có nhân lực trình độ cao.

Nguyễn Duy Nghĩa
Nguyễn Duy Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ