Những thách thức và cơ hội
Trong Talkshow “Chọn danh mục” kỳ 7 của Báo Đầu tư với chủ đề “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” diễn ra vào ngày 9/6 vừa qua, ông Quan Đức Hoàng - Giám đốc Quỹ Đầu tư Green Fund đánh giá, tuy nền kinh tế Việt Nam đang chững lại một chút nhưng về mặt phát triển vẫn đang ở quy mô rất tốt.
Tại hội thảo của VCCI, viện nghiên cứu kinh tế và chính sách của Đại học Quốc gia có nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nếu ở mức trung bình là 5,7% và ở mức tích cực 6,2%.
Tăng trưởng quý 1/2022 của kinh tế Việt Nam là 5,03%, giảm nhẹ so với con số 5,22% của quý IV/2021. Thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng rất lớn với xuất khẩu đạt hơn 88 tỷ USD và nhập khẩu là hơn 87 tỷ USD.
Tuy nhiên, những bất ổn từ thị trường châu Âu – xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine, đang là vấn đề ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả hàng hoá, đặc biệt đối với lĩnh vực vận tải (logistic).
Ngoài ra, việc tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đạt ở mức cao nhất trong 40 năm dẫn đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư nên thận trọng trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều khả năng việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều bởi tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 16%, thời gian gần đây đã quay lại mua ròng và chiếm tỷ trọng hơn 16% một chút và đang tìm kiếm cơ hội.
Thêm vào đó, tỷ giá của đồng VNĐ nếu so sánh với các đồng tiền trong khu vực vẫn đang khỏe hơn, do đó chúng ta thừa sức để kiếm soát biến động tỷ giá ổn định hơn.
Quản trị rủi ro của bản thân
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán trong tháng 6, ông Minh cho rằng sẽ tăng nhưng với biên độ không quá lớn. Chỉ số VN-Index sẽ biến động ở vùng giá 1.300-1.328 điểm, hoặc cao hơn có thể vượt 1.400 điểm.
Yếu tố lãi suất và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 nên dòng tiền sẽ không còn rẻ và tìm đến nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao.
Ông Minh cho biết thêm, có 2 yếu tố để xây dựng danh mục đó là nhìn vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp và dòng tiền. Một kinh nghiệm khá đặc biệt tại TTCK Việt Nam là task risk trong ngắn hạn sẽ giúp giảm thiểu được những biến động của thị trường hàng ngày.
Đồng thời, ông Minh đã đưa ra khuyến nghị đáng chú ý tới 4 nhóm ngành chính là hóa chất như phân bón và dầu khí; bán lẻ; điện và sản xuất điện; và cuối cùng là nhóm logistic
Đồng ý với quan điểm trên, ông Hoàng cho biết, quỹ Green Fund không chỉ đầu tư vào các mã trên sàn mà còn tập trung tạo dựng những doanh nghiệp mạnh hơn để đưa lên sàn. Ngành năng lượng tái tạo với đà phát triển như vậy thì tiềm năng là rất lớn.
Nhà đầu tư nên chọn danh mục mà bản thân có thể tin tưởng, gắn bó trên con đường từ 5 – 10 năm, nếu không nên chọn một quỹ đầu tư có uy tín để phân bổ, gửi gắm. Phần tiền còn lại, nhà đầu tư có thể trích một phần để trading, bởi vì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều rất nhiều cơ hội tiềm ẩn.
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, vốn ngắn hạn, vốn vay hay 2 năm vừa rồi là vốn trái phiếu được tận dụng rất nhiều để phát triển công ty, nhưng một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải cần nhiều vốn chủ sở hữu.
“Thực tế, vốn chủ sở hữu tại thị trường Việt Nam hiện nay rất thấp, với tổng số vốn đi vay khoảng 100 tỷ USD. Tôi khuyên nhà đầu tư riêng lẻ nên đặt ra những chỉ tiêu, mức tối thiểu. Trong đó, nhà đầu tư có thể quan tâm đến những cổ phiếu có P/E dưới 10 hoặc dưới 5”, ông Hoàng nói.