Lâm Đồng ra “tối hậu thư” đối với các dự án “ngâm” đất và tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng "ngâm" đất và tiến độ đầu tư sẽ bị xử lý, trong đó có biện pháp thu hồi đất.
Lâm Đồng ra “tối hậu thư” đối với các dự án “ngâm” đất và tiến độ

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan tiến hành rà soát đối với tất các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh nhưng không triển khai, chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý.

Việc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo hướng, đối với các dự án đã được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và điều chỉnh tiến độ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư với thời gian tối đa là 24 tháng theo quy định, nhưng đến nay đã quá thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng mà doanh nghiệp không đầu tư hoàn thành theo tiến độ được duyệt và cam kết của nhà đầu tư thì căn cứ quy định của pháp luật, lập các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án (hoặc chấm dứt một phần dự án chưa đầu tư) và thu hồi đất (kể cả trường hợp đã giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê).

Đối với các dự án đủ điều kiện để được gia hạn thời gian sử dụng đất theo Luật Đất đai và điều chỉnh tiến độ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thì hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ (trong đó yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết đây là lần gia hạn cuối cùng, nếu không hoàn thành đúng cam kết và thời gian gia hạn thì Nhà nước chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi đất), xem xét cho gia hạn thời gian đưa đất và sử dụng và điều chỉnh tiến độ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều dự án chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư.

Đơn cử Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty TNHH B&V Cà phê Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hội bị chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư là 135 tháng. Diện tích đất mà Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi là 11.158,3 m2, thuộc một phần diện tích lô BII-9-KCN và một phần lô BII-10-KCN theo Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phú Hội.

Dự án đầu tư Nhà máy cán thép định hình của Công ty TNHH Thép Lotus Đà Lạt tại Khu công nghiệp Phú Hội cũng chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư 66 tháng. Đối với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi 5.109,9 m2 đất thuộc một phần diện tích Lô C-3-KCN theo Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phú Hội.

Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) tại Khu công nghiệp Phú Hội cũng chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư là 97 tháng. Công ty này bị Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi 13.023,5 m2 đất thuộc diện tích Lô BII-7-KCN và một phần diện tích Lô BII-5-KCN theo Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phú Hội.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhuộm sợi len, chỉ vải, sản xuất tất, áo len, ống nhựa cuộn chỉ tại Khu công nghiệp Phú Hội của Công ty TNHH Dệt may & vớ Apex chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư đến 113 tháng…

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục