Lâm Đồng đề xuất tháo “nút thắt” cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương

0:00 / 0:00
0:00
Lâm Đồng đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn. Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn.

Cơ chế chia sẻ doanh thu

Tuyến cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, có chiều dài khoảng 66 km (đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55 km), bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng (phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng).

Còn Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022. Tuyến đường có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng (phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lâm Đông là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư 2 dự án trên theo hình thức đối tác công - tư (PPP). UBND tỉnh này xác định sẽ khởi công các dự án trong năm 2023.

Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc quy định: “Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo theo quy định tại khoản 1, Điều 82, Luật PPP và được cụ thể tại Hợp đồng dự án”.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, với quy định không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm nêu trên, sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn, vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khác (khoảng 9.095 tỷ đồng) từ các nhà đầu tư quan tâm, hoặc các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi của dự án.

Địa phương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương do địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chuyển mục đích sử dụng rừng

Theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một trong những nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy định này chưa phù hợp, bởi đối với các dự án giao thông (công trình theo tuyến), thì trong triển khai các bước tiếp theo, như phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, sẽ có một số điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình, địa chất và hiện trạng thực tế.

Cụ thể, đối với Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, qua kiểm tra, khảo sát thực địa, hướng tuyến ở bước nghiên cứu khả thi có điều chỉnh cục bộ một số vị trí (như Dự án Trường đua ngựa, Cụm công nghiệp Đạ Huoai, Nghĩa trang Địa Tạng Vương, Thiền viện Bát Nhã, những vị trí tránh địa hình đồi núi…) để giảm độ dốc dọc và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Việc điều chỉnh này có làm thay đổi vị trí, nhưng diện tích rừng giảm 35,65 ha (giảm 29 ha rừng tự nhiên và 6,65 ha rừng trồng) so với phê duyệt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 16/1/2023, vẫn phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. “Như vậy sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án”, UBND tỉnh Lâm Đồng ý kiến.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong chuyển mục đích sử dụng rừng, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận với diện tích rừng đặc dụng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) dưới 50 ha và rừng sản xuất (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) từ 50 ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Lâm nghiệp 2017 vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện có điều chỉnh cục bộ vị trí, hướng tuyến, nhưng không làm tăng diện tích rừng đã được chấp thuận, thì giao địa phương chịu trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi thực hiện dự án.

Tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn

UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công - tư với số vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022.

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu tư vấn thuộc Dự án, như thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường; tư vấn thăm dò khoáng sản để cấp phép khai thác các mỏ vật liệu…

“Hiện nay, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều trên 20 năm, trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ 15 năm. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP”, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục