“Người lao động tuyển dụng qua cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng luôn đòi hỏi lương cao và tư tưởng làm việc không ổn định”. Đây là một trong những trở ngại lớn đối với việc hợp tác giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp (DN) được bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai đề cập tại Hội nghị toàn quốc về việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động vừa được tổ chức. Điều này cũng khiến cho cung - cầu lao động nhiều năm qua không tìm được tiếng nói chung. Bà Phượng cho biết, qua thực tế của tỉnh Đồng Nai, DN sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện cho người lao động thực tập và đóng góp kinh phí hỗ trợ đào tạo, nhưng việc khan hiếm lao động vẫn không được cải thiện đáng kể. Thậm chí, để nâng cao chất lượng đào tạo phần thực hành, DN đề nghị được phối hợp với nhà trường trong công tác đào tạo nghề (trường dạy lý thuyết, DN dạy thực hành). Sau khi tốt nghiệp, lao động sẽ quay trở lại DN để làm việc, nhưng mô hình này đang gặp trở ngại do người lao động không hợp tác. Có DN đầu tư hỗ trợ đào tạo cho 100 lao động, nhưng sau khi tốt nghiệp chỉ có 30 lao động quay trở lại làm việc. Khảo sát tại 188 DN (thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai) cuối năm 2006 cho thấy, có 105 DN đăng ký hỗ trợ đào tạo cho lao động với mức tiền hơn 232 triệu đồng. Có 9 DN đã tự bỏ kinh phí đào tạo cho người lao động với số tiền 4.386 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hỗ trợ đào tạo công nhân kỹ thuật. Các nghề đang khan hiếm trên thị trường lao động của tỉnh là mộc, làm đồng, sơn xe hơi, đúc, gò, mài… Mặc dù vậy, vẫn không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của DN. Theo ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thực tế này không chỉ diễn ra ở tỉnh Đồng Nai, mà đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố có thị trường lao động khá phát triển, nhưng nguồn “cung” lao động lại khan hiếm. Ở những địa phương dư thừa lao động và thị trường lao động chưa phát triển, DN lại không mặn mà với việc phối hợp đào tạo cùng các trường nghề. Ông Hồng cho rằng, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu sử dụng lao động của DN, cần chuyển hoạt động dạy nghề sang hướng “cầu” của thị trường lao động. Bên cạnh các trường đào tạo nghề, cần khuyến khích các DN, làng nghề cùng tham gia đào tạo để tận dụng kiến thức thực hành phong phú cũng như công nghệ. Quan trọng nhất là cơ chế giao chỉ tiêu đào tạo như hiện nay cần được thay đổi bằng cơ chế đặt hàng các cơ sở đào tạo dựa trên những nghiên cứu, đánh giá kỹ về nhu cầu thị trường lao động, về cơ cấu ngành số lượng lao động cụ thể. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng đề án đào tạo lao động cung ứng cho các KCX-KCN, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng lao động phục vụ việc mở rộng và xây dựng mới các KCX-KCN. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc đào tạo nghề, việc phân cấp và phát huy tính tự chịu trách nhiệm đối với những cơ sở đào tạo nghề sẽ được thực hiện triệt để. Các trường dạy nghề ngoài công lập được khuyến khích thành lập với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ nhất. Một số trường đào tạo nghề sẽ được cổ phần hoá để vận động thích nghi nhanh hơn với cơ chế đào tạo lấy tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của DN làm thước đo. Bà Phượng cho rằng, bên cạnh các giải pháp trên, cần xây dựng cơ chế thành lập quỹ đào tạo cho lao động tham gia làm việc tại DN với mức đề xuất đóng góp 1,5% tổng quỹ lương của DN. Quỹ này sẽ do Hiệp hội các DN quản lý và chỉ phục vụ cho mục đích đào tạo lại hoặc đào tạo mới người lao động. Từ nguồn lực này, các DN đóng góp quỹ có nhu cầu đào tạo được chi trả chi phí đào tạo. Hiệp hội có thể đứng ra thay cho DN hợp đồng với các cơ sở đào tạo. “Điều này sẽ khiến cho DN và cơ sở đào tạo dễ nói chuyện với nhau hơn”, bà Phượng cho hay.
Làm dịu “cơn khát” nhân lực
Khảo sát tại 188 DN (thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai) cuối năm 2006 cho thấy, có 105 DN đăng ký hỗ trợ đào tạo cho lao động với mức tiền hơn 232 triệu đồng. Có 9 DN đã tự bỏ kinh phí đào tạo cho người lao động với số tiền 4.386 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hỗ trợ đào tạo công nhân kỹ thuật. Các nghề đang khan hiếm trên thị trường lao động của tỉnh là mộc, làm đồng, sơn xe hơi, đúc, gò, mài… Mặc dù vậy, vẫn không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của DN.