Làm CEO, đừng để bị động vào phút chót

(ĐTCK) Để tạo ra sự thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp, có nhiều nhân tố tham gia. Trong đó, khả năng nhìn thấy tương lai phát triển của ngành, cũng như thị trường của tổng giám đốc (CEO) đóng vai trò then chốt. Ông Võ Văn Thành Nghĩa, cựu CEO Thiên Long đã chia sẻ về sự thích ứng quan trọng này.

Thích ứng trước khi bạn buộc phải thay đổi

CEO phải có khả năng nhận định tình hình hôm nay và dự báo cho ngày mai về hoạt động của ngành, tạo cơ sở định ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp theo từng giai đoạn khác nhau trong tương lai. Chính nhờ vào khả năng này hôm nay, doanh nghiệp sẽ có những định hướng, chiến lược, kế hoạch phù hợp cho ngày mai.

Muốn có khả năng nhìn thấy xu thế phát triển trên thế giới và trong nước về ngành mình đang kinh doanh, ngoài việc theo dõi thông tin qua báo, đài, doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ ngành, thường được tổ chức định kỳ hàng năm.

Tại những hội chợ chuyên biệt này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội gặp gỡ những người đang hoạt động cùng ngành và trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, thường có những buổi thuyết trình, bài trình bày về các xu thế phát triển của ngành trong tương lai.

Việc tham gia các diễn đàn, hội nghị với sự có mặt của các chuyên gia, nhân vật đầu ngành cũng rất hữu ích cho doanh nghiệp. Tại những buổi gặp gỡ đáng chú ý này, doanh nghiệp được nghe các nhận định và dự báo về những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, định hướng về sản phẩm mới, biến chuyển của thị trường nội địa và xuất khẩu trong 5 - 10 năm tới.

Bên cạnh việc tham gia các sự kiện, để có các báo cáo phân tích với số liệu chính xác làm sơ cở cho việc hoạch định sau này, doanh nghiệp cần phải có một nguồn ngân sách nhất định để mua những báo cáo đáng tin cậy liên quan đến hoạt động của ngành và tình hình thị trường trong và ngoài nước vào thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lai do các tổ chức tư vấn uy tín thực hiện.

Song song với những thông tin và kiến thức lý thuyết có được tại các sự kiện của ngành, cũng như từ những báo cáo trên bàn giấy, doanh nghiệp nên tổ chức định kỳ và bất thường những chuyến đi thăm thực tế thị trường trong nước và nước ngoài vì “trăm nghe không bằng một thấy”.

Trong những chuyến đi thực tế, việc gặp gỡ và trao đổi với khách hàng thuộc nhiều kênh khác nhau tại chợ sỉ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ và những cuộc họp với đội ngũ bán hàng tại chỗ liên quan đến những yêu cầu của thị trường về sản phẩm, giá bán…, sẽ vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp.

Ngoài mục đích kiểm chứng những thông tin lý thuyết qua những chuyến đi, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn và cảm nhận về tình hình cung cầu của thị trường, giúp cho việc dự báo xu hướng của thị trường có cơ sở khoa học và thuyết phục hơn.

Làm CEO, đừng để bị động vào phút chót ảnh 1

Ông Võ Văn Thành Nghĩa 

Với sự kết hợp giữa các hoạt động nêu trên, một khi nắm được kiến thức cập nhật của ngành và những thông tin dự báo trong tương lai, doanh nghiệp sẽ chủ động lập ra các kế hoạch cải tiến hoặc thay đổi đối với những hoạt động quản trị liên quan hiện tại, nhằm chuẩn bị cho những bước phát triển sau này.

Doanh nghiệp cũng có thể đưa ra những định hướng mới, áp dụng mô hình quản trị mới, hoặc tạo bước đột phá về hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm…

Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ ngành cũng như các diễn đàn, hội nghị như những gì đã nêu trên, song họ còn thiếu các chuyến đi kiểm nghiệm. Ngược lại, một số doanh nghiệp tập trung đi sâu vào việc bám sát các thị trường, nhưng hoạt động tham gia những hội nghị chuyên ngành quan trọng vẫn còn rời rạc, bị bỏ quên.

Cũng có doanh nghiệp tiến hành đồng thời hai hoạt động này, nhưng không thường xuyên và tập trung vào chiều sâu. Những cách làm này khiến cho doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc nhận định và dự báo về xu thế và biến chuyển của ngành trong tương lai.

Chớ dồn toa vào phút chót

Nếu CEO là kiến trúc sư của các mục tiêu chiến lược nhằm thực hiện định hướng đã được cổ đông sáng lập đề ra, thì CEO cũng chính là tổng công trình sư cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch là chuyện bất kỳ cấp quản lý nào cũng làm được. Vấn đề ở chỗ, mức độ khả thi của kế hoạch và khả năng hoàn thành kế hoạch liên tục trong nhiều năm là việc không dễ dàng.

Để có thể hoàn thành hoặc vượt kế hoạch liên tục trong nhiều năm, trước tiên, kế hoạch cần phải được xây dựng chi tiết. Một khi kế hoạch được triển khai, dù tạm thời hay chính thức, các biện pháp giám sát phải được thực hiện ngay để kịp nhận ra sự chênh lệch tăng, giảm giữa các con số kế hoạch và thực hiện, đặc biệt về ngân sách. Bên cạnh đó, cần theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, thiên tai, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới để điều chỉnh số liệu kế hoạch và triển khai các biện pháp kịp thời.

Làm CEO, đừng để bị động vào phút chót ảnh 2

Việc thực hiện kế hoạch kinh doanh hàng năm tại các doanh nghiệp Việt Nam trong thực tế cho thấy, một số không đạt kế hoạch nhiều năm liền, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, vai trò của CEO chiếm phần lớn, vì đã không kịp xoay chuyển tình thế đến giờ chót. Để tránh rơi vào thế bị động như vậy, CEO cần cập nhật tình hình thực hiện kế hoạch với cổ đông thông qua những cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo để cùng nhau tìm ra các giải pháp xử lý kịp thời.

Vượt qua thách thức “nản lòng”

Các doanh nhân đôi lúc cảm thấy nản lòng, ngay cả với người đã từng thành công nhiều lần trên thương trường. Với những người đang ở bước đầu tạo lập doanh nghiệp thì đây là cảm giác thường xuyên hơn.

Có rất nhiều hoàn cảnh gây ra sự nản lòng. Có những doanh nghiệp, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu chỉ nhận được kết quả kinh doanh ngoài ý muốn. Lại có doanh nghiệp, sau bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc dồn cho một vụ kiện tưởng chừng sẽ thắng, bỗng nhiên nhận lấy một kết quả “tiền mất tật mang”. Với tác giả của những ý tưởng khởi nghiệp, sau sự hăng hái ban đầu thường là sự nản lòng khi thực sự đương đầu với những khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Dù không cảm thấy nặng nề như với thất bại, nhưng nản lòng thường kéo theo cảm giác buông xuôi và mặc cho sự việc “tới đâu hay tới đó”. Vì nản lòng với kết quả tiêu cực sau nhiều năm kinh doanh, những người đứng đầu doanh nghiệp thường tuyên bố giải thể doanh nghiệp. Tương tự, doanh nghiệp bị thua kiện quyết định không tiến hành thêm các bước tố tụng khác; các tác giả những công trình khởi nghiệp quyết định bỏ cuộc nửa chừng…

Chính phần “hậu nản lòng” này đã khiến doanh nghiệp và đội ngũ đi vào đường cùng, không còn ý chí tìm kiếm con đường khác; các tác giả của những ý tưởng khởi nghiệp cũng khép lại cánh cửa của tương lai.

Tại sao theo sau sự chán nản chỉ là sự buông xuôi? Tại sao không sớm tìm ra giải pháp ngay sau khi xác định nguyên nhân gây ra kết quả kinh doanh tiêu cực? Tại sao chấp nhận kết quả thua kiện mà không nghĩ đến việc kháng cáo hay tìm kiếm nguồn hỗ trợ pháp lý khác? Đối với những dự án khởi nghiệp, tại sao không phân tích, mổ xẻ những khó khăn để nỗ lực tìm ra giải pháp?

Ngoài một số ví dụ nêu trên, trong kinh doanh, còn rất nhiều trường hợp khác khiến chúng ta dễ nản lòng. Chúng ta cần phải nhìn thấy trước sự nản lòng này để không nản lòng khi có những chuyện không như ý xảy ra. Chính sự chuẩn bị này sẽ giúp chúng ta bình tĩnh tìm ra lối thoát trong những lúc ngỡ rằng phải chấp nhận sự bế tắc. Chúng ta cần phải luôn có sẵn một nghị lực cứng cỏi. Nếu không, sự chùn bước sẽ xuất hiện ngay bên cạnh chúng ta.

Nếu một CEO nản lòng, tinh thần tiêu cực này sẽ nhanh chóng tác động đến đội ngũ cấp dưới, tạo nên một không khí bi quan, ủy mị và doanh nghiệp có thể mau chóng đi đến tan rã vì thiếu sự truyền lửa. Ngược lại, dù đôi lúc nản lòng, nhưng với ý chí luôn sẵn sàng vượt qua chông gai, CEO sẽ truyền được tinh thần lạc quan đến đội ngũ và cùng đội ngũ tìm ra những giải pháp khả dĩ để hóa giải những khó khăn, thậm chí bế tắc của doanh nghiệp. 

Là cựu CEO của Tập đoàn Thiên Long suốt 3 nhiệm kỳ, ông Võ Văn Thành Nghĩa và cộng sự đã đưa Thiên Long lọt vào Top 50 doanh nghiệp văn phòng phẩm có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 2011 (theo xếp hạng của tổ chức đánh giá doanh nghiệp quốc tế Plimsoll).

Ông Nghĩa có học vị Tiến sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Nam California (Mỹ). Hiện ông là Chủ tịch kiêm CEO của VAL Making, một tổ chức chuyên về hoạt động hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp và phụng sự cộng đồng, xã hội.

Võ Văn Thành Nghĩa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục