Lãi vay mua nhà của các ngân hàng hiện ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu vào giảm theo lãi suất huy động và để kích cầu được tăng trưởng tín dụng ở phân khúc nhà ở, các nhà băng từng bước điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, giá bất động sản cao vẫn khó kích cầu vốn. 
Lãi vay mua nhà của các ngân hàng hiện ra sao?

Về dưới 10%/năm

BVBank có gói tín dụng ưu đãi vay linh hoạt với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm đang được triển khai. Khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… đều có thể liên hệ BVBank để vay vốn với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu từ ngày giải ngân.

ACB áp dụng lãi vay mua nhà khoảng 7-8%/năm hoặc cố định 9%/năm cố định trong thời gian dài là 2 năm đầu tiên. Nam A Bank cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2% so với cuối đầu 2022. Tại OCB ưu đãi lãi suất còn 7-8%/năm, còn nếu không khuyến mãi mức lãi vay vào khoảng 10%/năm.

Lãi suất cho vay mua nhà tháng 1/2024 tại VPBank với mức 5,9%/năm. HDBank áp mức lãi vay ưu đãi 6,8%/năm. MSB cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi 6,8%/năm... Sacombank có mức lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà là 6,5%/năm.

Đáng chú ý ở các ngân hàng nước ngoài, lãi suất cho vay mua nhà còn cạnh tranh hơn như: UOB là 6%, Wooribank cũng công bố lãi suất cho vay chỉ còn 6%/năm trong năm đầu tiên. Ngoài ra, người mua nhà có thể lựa chọn gói vay với lãi suất cố định 2 năm đầu là 8%/năm hoặc lãi suất cố định 3 năm đầu là 8,7%/năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi những năm sau được tính bằng lãi suất huy động của 4 ngân hàng Big 4 cộng với biên độ 3,5%. Ước tính mức lãi suất thả nổi của ngân hàng này dao động ở mức 8,6-8,9%/năm.

Tương tự, Shinhan Việt Nam cũng vào cuộc giảm lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian gần đây. Theo đó, mức lãi suất cho vay mua năm là 5,99%/năm cho 6 tháng đầu tiên và 8%/năm cho 54 tháng tiếp. Đối với gói vay mua nhà cố định một năm, lãi suất cho vay ở mức 6,8%/năm trong năm đầu tiên. Hoặc 7,4%/năm cho gói vay 2,3 năm đầu cố định.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, việc giúp khách hàng cũng là giúp chính ngân hàng khi đồng hành cùng người vay ở mức lãi suất thấp nhất có thể.

"Thậm chí hiện nay, đối với các khoản vay mới, lãi suất của chúng tôi gần như hòa vốn để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung này. Không những vậy, ngân hàng luôn cập nhật, xem xét, điều chỉnh liên tục lãi suất và các điều kiện vay để đảm bảo tính cạnh tranh và duy trì ổn định năng lực bán…", ông Vũ nói.

Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, hiện lãi suất cho vay mua nhà tại BIDV giảm 1%/năm xuống chỉ còn 6,5%/năm. Vietcombank cũng đưa lãi suất xuống 6,7%/năm. Mức 6,7%/năm tại Vietcombank được cố định trong 18 tháng đầu tiên, sau đó tăng lên 6,8%/năm cho 2 năm tiếp theo và 7,5% (cho 3 năm), 9,5% (cho 5 năm), 10,5% (cho 7 năm), sau 10 năm, lãi suất cố định 11%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.

Mức cao nhất nhóm Big 4 thuộc về Agribank với 7%/năm, nhưng lại khá cạnh tranh so với các ngân hàng cổ phần tư nhân. Còn mức lãi vay mua nhà thấp nhất trong khối ngân hàng cổ phần thuộc về VietinBank với 6,4%/năm. Như vậy, sau 1 năm với sự đi xuống nhanh của lãi suất huy động, lãi suất cho vay mua nhà cũng đã giảm sâu dù đà giảm chưa thực sự tương ứng.

Sẽ giảm thêm?

Trong buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Phó Thống đốc đánh giá, lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại, còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi các ngân hàng huy động với lãi suất cao. Vì vậy, lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm trong thời gian tới.

Tuy mặt bằng lãi suất đã giảm, kể cả với lãi suất cho vay cá nhân, nhưng so với cùng kỳ các năm trước thì năm 2023 rõ ràng tình hình tín dụng chậm hơn, khó tăng trưởng hơn, kể cả mùa cao điểm cuối năm. Nguyên nhân được giới phân tích tài chính - ngân hàng cho rằng, chủ yếu do nhu cầu vay và năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, dẫn đến một số không đáp ứng được điều kiện vay, số khác có tâm lý trì hoãn hoặc không muốn vay vì e ngại rủi ro hoặc kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới.

Bước sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giao ngay hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm và dự báo mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới, kinh tế thuận lợi nhuận...sẽ là điều kiện để kích thích cầu vốn, kể với tín dụng nhà ở.

NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022. Trong đó, mục đích kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36%; mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64%.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục