Lãi suất VND khó hạ nhiệt

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất USD từ đầu năm đến nay và khả năng sẽ sớm giảm lãi suất USD trong thời gian tới, thì ở thị trường Việt Nam, lãi suất huy động VND tiếp tục tăng.
Lãi suất VND tiếp tục tăng, nhất là ở kỳ hạn dài là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn. Lãi suất VND tiếp tục tăng, nhất là ở kỳ hạn dài là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn.

Fed sẽ giảm lãi suất

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã khẳng định một cách rõ ràng về tính độc lập của Fed với tuyên bố rằng, Fed không chịu những “sức ép chính trị ngắn hạn”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Fed cắt giảm mạnh lãi suất. Điều này cho thấy, Fed sẽ không đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất như kỳ vọng của ông Trump, mà sẽ xem xét thận trọng tác động của các mối quan hệ quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, sau đó mới quyết định giảm lãi suất hay không.

Theo nhận định của giới phân tích tài chính, việc Fed hành động thế nào trên thực tế sẽ phụ thuộc vào những đánh giá về triển vọng nền kinh tế Mỹ, có liên quan rất nhiều tới các quyết định mà chính quyền ông Donald Trump sẽ đưa ra đối với nhiều nước.

Đầu phiên giao dịch 29/6, trên thị trường thế giới, chỉ số đo lường biến động của USD với 6 đồng tiền chủ chốt EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF đứng ở mức 95,63 điểm, giảm 0,01%. USD gần như không đổi do nhà đầu tư đang tập trung đến diễn biến của Hội nghị  G20. Tỷ giá USD đứng ở mức 1 EUR đổi 1,1382 USD; 107,63 JPY đổi 1 USD và 1,2675 USD đổi 1 GBP. USD đã giảm thấp hơn so với hầu hết các loại tiền tệ, phản ánh tâm lý lựa chọn các tài sản rủi ro với hy vọng rằng, kế hoạch áp đợt thuế tiếp theo của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị hoãn lại.

Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá VND/USD ở mức 23.066 đồng (tăng 1 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.708 đồng (tăng 1 đồng). Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá gần như không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.270 đồng/USD (mua) và 23.390 đồng/USD (bán).

Lãi suất VND có hạ nhiệt

Ngân hàng VietCapitalBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trên thị trường, với 8,6%/năm cho kỳ hạn 2, 3, 4 và 5 năm. Từ kỳ hạn 12 tháng, lãi suất mà VietCapitalBank đưa ra đều rất cao: kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm; 13 tháng là 8,4%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm.

Tại SCB, lãi suất cao nhất chỉ đến 7,75%, nhưng lãi suất tiết kiệm đắc lộc tài, đắc lộc phát cao hơn rất nhiều, lên tới 8,55%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Ở hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 8,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng trở đi.

Nhiều ngân hàng khác có lãi suất trên 8%, nhưng yêu cầu khoản tiền gửi rất lớn. VIB áp dụng lãi suất 8,19% cho kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và đi kèm điều kiện khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. ABBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,3% cho kỳ hạn 13 tháng, khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng. LienVietPostBank đưa ra mức lãi suất cao nhất là 8% cho kỳ hạn 13 tháng khi gửi trên 500 tỷ đồng, hay số tiền nhỏ hơn gửi kỳ hạn 48 tháng hoặc 60 tháng.

TPBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,6%, nhưng chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Lãi suất cao nhất tại VCombank là 8,5% ở kỳ hạn 12 tháng, với số tiền gửi mới tối thiểu 500 tỷ đồng. Tại ngân hàng này, nếu có ít tiền hơn, chỉ từ 5 tỷ đồng, người gửi tiền vẫn có thể được hưởng lãi suất 8%/năm nếu chọn kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, sở dĩ lãi suất VND tiếp tục tăng, nhất là ở kỳ hạn dài là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ còn 35% vào đầu năm tới.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện cho phép trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn, 9-11%/năm với trung và dài hạn.

Kinh tế trong nước tiếp tục ổn định

Kinh tế thế giới giảm tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và tiến trình Brexit bế tắc, giá dầu thô biến động mạnh, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp... đã tạo ra những thách thức trong điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, kinh tế trong nước tiếp tục ổn định. Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục