Lãi suất VND chịu sức ép tỷ giá

(ĐTCK) Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, một vài ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất huy động, tuy nhiên, đợt giảm này chưa kịp trở thành làn sóng như thường lệ đã bị dập tắt bởi quyết định phá giá đồng nhân dân tệ đột ngột của Trung Quốc và sau đó là sự thay đổi biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
 
Lãi suất huy động tiền đồng phải ở một mức cao nhất định để khuyến khích người dân giữ VND Lãi suất huy động tiền đồng phải ở một mức cao nhất định để khuyến khích người dân giữ VND

Lãi suất sẽ buộc phải tăng?

Trao đổi với ĐTCK vào thời điểm đầu tháng 8/2015, một lãnh đạo cấp cao NHNN cho biết, những tháng cuối năm nay, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, nhằm điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ đồng Việt Nam, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.

Sự tự tin của vị lãnh đạo này không phải là ngẫu nhiên, bởi theo thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần cuối tháng 7 (từ 27 - 31/7/2015), có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. “Đợt hạ lãi suất này chưa kịp trở thành làn sóng như thường lệ thì đã bị dập tắt bởi quyết định đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng thời với đó, NHNN Việt Nam thay đổi biên độ tỷ giá”, Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá biến động mạnh với giá giao dịch kịch trần biên độ; thông tin NHNN liên tục bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối khiến sự ổn định khá mong manh. Các ngân hàng đang trong trạng thái phòng vệ không chỉ đồng USD Mỹ mà còn cả VND, đề phòng câu chuyện thanh khoản tạo ra tâm lý bất an cho người dân, khiến họ không muốn nắm giữ VND mà chuyển sang nắm giữ vàng, mua bất động sản…

“Chính phủ vẫn luôn có chủ trương giảm lãi suất nhưng điều kiện hiện nay không cho phép và thậm chí tôi cho rằng, lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng”, TS. Hiếu nói.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, người dân sẽ cân nhắc về khả năng chuyển một phần tiết kiệm sang ngoại tệ. Do đó, buộc các ngân hàng có thể phải tính toán đến khả năng đẩy lãi suất lên đủ hấp dẫn để giữ chân khách hàng và không loại trừ trường hợp sẽ có những dấu hiệu “lách” luật, thông qua các hình thức tặng quà bằng sản phẩm, tiền mặt hay lãi suất… như trước đây.

“Lãi suất huy động tiền đồng không thể giảm xuống mà phải ở một mức cao nhất định để khuyến khích người dân giữ VND. Thậm chí, trong trường hợp lãi suất giảm thêm, nhiều khả năng người dân sẽ vay VND để chuyển sang nắm giữ những tài sản có giá trị khác. Hiện tại, NHNN chắc chắn không thể “ép” các ngân hàng hạ lãi suất xuống nữa, nhưng có thể lãi suất sẽ tăng bởi tín dụng tăng lên do những tháng tới vào mùa hoạt động sản xuất cuối năm, nếu các ngân hàng không huy động được tiền thì không thể cho vay được. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức tăng sẽ không đáng kể và cần tiếp tục theo dõi thị trường ngoại tệ và tiền đồng”, vị lãnh đạo trên nhận định. 

Vẫn còn ý kiến trái chiều

Đứng trên một góc nhìn khác, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, đúng là trong vài ngày vừa qua, thanh khoản tiền đồng trên thị trường không được dồi dào như những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8; lãi suất ngắn hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xoay quanh mức 5%/năm. Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu lấy thông tin này để nhận định thanh khoản của thị trường kém, gây áp lực có thể làm tăng lãi suất huy động thì chưa có cơ sở. Lý do cụ thể ở 3 điểm như sau:

Thứ nhất, trong những ngày qua, sau khi nới biên độ tỷ giá, NHNN đã tiếp tục bán ra ngoại tệ hỗ trợ thị trường; trong đó, nhiều ngân hàng đã mua vào ngoại tệ từ NHNN, làm giảm trạng thái âm trong tình hình thị trường tài chính trong và ngoài nước có những biến động. Do vậy, một lượng tiền đồng đã được NHNN hút về thông qua kênh này. Ngoài ra, trong bối cảnh này, việc các NHTM phòng thủ, nắm giữ tiền mặt nhiều hơn, giảm bớt việc cho vay ra trên thị trường liên ngân hàng là hoàn toàn dễ hiểu.

Thứ hai, hoạt động trên thị trường mở (OMO), vốn là kênh phản ảnh khá rõ nét nhu cầu vay ngắn hạn từ các NHTM để bổ sung thanh khoản, trong vài ngày qua vẫn ở mức rất thấp; chứng tỏ thanh khoản chung của hệ thống rất ổn. Các NHTM đang nắm giữ số lượng lớn trái phiếu chính phủ, vốn là tải sản thanh khoản rất tốt để chuyển sang tiền mặt bằng nhiều cách thức khác nhau. Nếu nhìn vào số dư OMO tại thời điểm hiện nay, thấy rõ là con số rất nhỏ so với vài thời điểm từ đầu năm đến nay, như trước Tết âm lịch hay một vài thời điểm trong các tháng trước.

Thứ ba, chắc chắn NHNN đã chuẩn bị các kịch bản hỗ trợ thanh khoản thị trường nếu cần, vì các biến động gần đây không phải là lần đầu xuất hiện và không mang tính hệ thống.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, cuối tuần trước, có những “cơn sốt” thanh khoản liên quan đến một vài ngân hàng nhưng đến thứ hai đầu tuần, mọi việc đều đã ổn định. Nguyên do bởi đó không phải là việc rút tiền dây chuyển mà đơn giản là người dân chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nên thị trường ổn định rất nhanh.

“Rất khó để từ nay đến cuối năm lãi suất huy động và cho vay sẽ hạ xuống thêm nữa, nhưng tôi cho rằng, niềm tin của thị trường vẫn còn nên không có lý do gì để lãi suất huy động tăng”, vị tổng giám đốc trên cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục