Đây là quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng lãi suất đồng USD ngày 17/12 vừa qua.
Sau động thái trên, tỷ giá niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) những ngày qua vẫn ổn định, hoạt động mua bán diễn ra bình thường. Theo lý giải của NHNN, việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% nhằm thực hiện chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ, sang quan hệ mua-bán bằng ngoại tệ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, hành động này của NHNN có thể ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của cá nhân, tổ chức trong bối cảnh tỷ giá USD có nhiều chênh lệch. Riêng tại khu vực TP. HCM, 9 tháng đầu năm 2015, tiền gửi tiết kiệm dân cư bằng USD tăng hơn 17% so với đầu năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Tiền gửi thanh toán USD của doanh nghiệp tăng 8%, so với cùng kỳ cũng tăng gấp 3 lần. Điều này cho thấy, người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng tỷ giá USD/VND tiếp tục điều chỉnh tăng vào cuối năm nay, nên tiếp tục găm giữ ngoại tệ, gây bất lợi cho việc chống đô-la hóa của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tỷ giá đã không tăng như kỳ vọng và NHNN cho biết, sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới kể cả khi Fed đã điều chỉnh lãi suất. Thực tế, trong tháng 9/2015, NHNN đã hạ lãi suất đồng USD của khách hàng là doanh nghiệp về 0% và nay tiếp tục hạ lãi suất USD đối với khách hàng là cá nhân. Theo ông Minh, suốt từ tháng 9 đến nay, doanh nghiệp vẫn bán mạnh ngoại tệ cho ngân hàng.
Như vậy, Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/12/2015 và thay thế Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/9/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giảm sâu hơn trước nên nhiều người cho rằng, những người đang nắm giữ ngoại tệ sẽ phải tính toán để chọn gửi tiền đồng hay USD.
Việc giảm lãi suất huy động USD của NHNN không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ, bởi mức lãi suất huy động USD trước khi giảm cũng chỉ 0,25%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, so với lãi suất tiền đồng, gửi tiết kiệm ngoại tệ lúc này người dân không còn có lợi tức. Mặc dù lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã giảm so với trước đây, song lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nên gửi VND vẫn hưởng lãi suất thực dương. Như vậy, nếu tỷ giá có tăng 1% trong thời gian tới cũng không thể so sánh được với lãi suất VND.
Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam hiện cũng không mặn mà với việc gửi tiết kiệm như trước đây, khi tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, kiều hối chuyển về qua ngân hàng ông tăng trưởng tốt trong 11 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, kiều hối chuyển về chủ yếu được khách hàng bán lại cho ngân hàng và thậm chí nhận bằng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, nguồn kiều hối về nước không còn mặn mà gửi tiết kiệm ngân hàng như trước đây khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD giảm về bằng 0%, vì vậy, nguồn tiền này bắt đầu xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả. Trong đó, bất động sản được xem là lĩnh vực nổi trội có dấu hiệu hút kiều hối trở lại hiện nay.
TS. Lực cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới hai mục đích: thực hiện lộ trình chống đô-la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD và giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có. Đối với lãi suất huy động USD của cá nhân đã giảm về 0%, nhưng khả năng huy động vốn ngoại tệ trước mắt sẽ chưa giảm đáng kể và tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động vốn của các NHTM.
Việc giảm lãi suất huy động USD của NHNN không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ, bởi mức lãi suất huy động USD trước khi giảm cũng chỉ 0,25%.
Bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền tửi, cho nên hạ lãi suất USD cũng không tác động nhiều đến tín dụng chung của cả hệ thống. Đồng thời, việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% không tác động nhiều đến lượng cung USD trên thị trường. Lãi suất USD còn 0%, nhưng các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá.