Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ tiếp tục xu hướng tăng

(ĐTCK) Trong tháng 5/2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 25 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành, huy động được 24.056 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tại các kỳ hạn gồm 5, 7, 10, 15, 20 và 30 năm, song trái phiếu trúng thầu tập trung chủ yếu tại 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm, với tỷ trọng lần lượt là 41,6% và 36,0%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được 127.031 tỷ đồng, đạt 31,76% kế hoạch phát hành của năm 2024 và 39% kế hoạch quý II/2024.

Lãi suất trúng thầu tiếp tục có xu hướng tăng, với mức tăng tại phiên cuối tháng từ 0,03%/năm đến 0,14%/năm so với phiên đầu tháng. Cụ thể, lãi suất phát hành tại những phiên gọi thầu thành công cuối tháng 5 của các kỳ hạn 5, 10, 15, 20 và 30 năm lần lượt là 1,80%, 2,66%, 2,83%, 2,86% và 3,10%.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ tại thời điểm 31/5/2024 đạt 2.052.012 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước. Giao dịch trái phiếu chính phủ tháng 5 có tổng giá trị giao dịch đạt 228.031 tỷ đồng, tăng 30,63% so với tháng trước, bình quân phiên đạt 10.365 tỷ đồng/phiên.

Trong đó, giá trị giao dịch Outright chiếm 62,37%, giá trị giao dịch Repos chiếm 37,63% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 5 chiếm 2,07% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị mua ròng đạt 630 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2024, lợi suất giao dịch bình quân của công cụ nợ do Kho bạc Nhà nước phát hành tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 3 tháng, 10 năm và 10-15 năm, tương ứng tỷ lệ tăng 44,77%; 10,25% và 8,43% so với cùng kỳ tháng trước và hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 2,8214%; 2,8648% và 3,0664%.

Lợi suất giao dịch bình quân giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 1 năm và 5-7 năm với tỷ lệ tăng tương ứng 10,36% và 6,28% so với cùng kỳ tháng trước và hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 1,3202% và 2,2092%. Qua đó, có thể thấy xu hướng lợi suất giao dịch công cụ nợ của Chính phủ nói chung diễn ra theo xu hướng tăng.

Xét theo kỳ hạn còn lại của công cụ nợ, các kỳ hạn trung và dài hạn là các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường, đó là kỳ hạn 10-15 năm, 5-7 năm, và 10 năm với tỷ trọng so với tổng GTGD toàn thị trường tương ứng là 23,90%; 18,11% và 12,10%.

Về đối tượng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ, khối ngân hàng thương mại tiếp tục chiếm thị phần ưu thế hơn so với khối công ty chứng khoán, với tỷ trọng giá trị giao dịch Outright và Repos so với toàn thị trường tương ứng là 57,28% và 94,68%.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục