Ông nhận định thế nào về diễn biến lãi suất huy động và cho vay quý II cũng như nửa cuối năm 2016?
Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích lên nhẹ trong thời gian tới khi cầu tín dụng vẫn tiếp tục tăng, Bộ Tài chính vẫn cần phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ (Bộ Tài chính đã phát hành 111 ngàn tỷ đồng trái phiếu và theo kế hoạch sẽ phát hành tiếp khoảng 110 ngàn tỷ đồng trong năm nay) và do ảnh hưởng của quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40% theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Ngoài ra, Thông tư 24/2015/TT-NHNN hạn chế cho vay ngoại tệ cho nhóm khách hàng có doanh thu ngoại tệ, nhưng không có nhu cầu thanh toán ra nước ngoài cũng sẽ tạo thêm cầu về vốn vay bằng VND.
Mặt bằng lãi suất vay VND của các ngân hàng trong nước thực tế hầu như không thay đổi trong thời gian vừa qua, trái ngược hẳn với việc mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh do các ngân hàng vẫn muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và giữ khách hàng tín dụng. Theo tôi, lãi suất cho vay có khả năng sẽ phải tăng nhẹ trong thời gian tới, do các ngân hàng vẫn cần duy trì một biên lợi nhuận hợp lý khi chi phí đầu vào đã tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay vẫn là rào cản đối với người cần vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thưa ông?
Mặt bằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt (bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang ở mức rất tốt do cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng. Đối với nhóm doanh nghiệp có chất lượng tín dụng chưa tốt, các ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức tương đối cao để bù đắp rủi ro tín dụng.
Theo tôi, chúng ta không nên kỳ vọng ngân hàng sẽ hạ mặt bằng lãi suất cho nhóm đối tượng này do các ngân hàng vẫn cần hoạt động theo cơ chế thị trường và quản trị chất lượng tín dụng tốt. Để chúng ta có thể thực sự giải quyết được bài toán về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta cần một chính sách tổng thể của Chính phủ như quỹ bảo lãnh, hỗ trợ về thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các ngân hàng có thể xem xét cung cấp các giải pháp vốn dựa vào sức mạnh tài chính của người mua/bán nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp lớn. Bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần minh bạch hóa tình hình tài chính, hoạt động một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Theo ông, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn liệu có giảm thêm trong thời gian tới như kỳ vọng của thị trường, trong khi chi phí huy động vốn dài ngày khó giảm?
Theo tôi, lãi suất cho vay trung và dài hạn có khả năng sẽ giảm cho các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt do cạnh tranh giữa các ngân hàng. Các ngân hàng ngày càng quan tâm đến chất lượng tín dụng và sẽ tập trung phục vụ những doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt.
Vì sao áp lực giảm phát dần đi xuống, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ không vội tăng lãi suất, thưa ông?
Giá cả hàng hóa (đặc biệt giá dầu) đã bắt đầu đi vào chu kỳ phục hồi, áp lực lạm phát sẽ quay trở lại. Ngoài ra, hạn hán và nước mặn xâm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng làm giảm sản lượng lúa gạo và tạo áp lực tăng giá. Chỉ số CPI đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cầu của nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi và giá cả hàng hóa khó có khả năng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn muốn tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất do quan ngại về sự tăng trưởng thiếu bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, chúng tôi kỳ vọng, NHNN sẽ không tăng lãi suất trong 2016.
Các ngân hàng đang từng bước điều chỉnh giảm lãi vay để kích cầu tín dụng. Đánh giá của ông về xu hướng tăng trưởng tín dụng năm nay so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra?
Theo tôi, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016 do cầu nền kinh tế bắt đầu hồi phục, thị trường bất động sản đang ấm nhanh, các hiệp định thương mại vừa được ký kết cũng sẽ tăng cường hoạt động mở rộng sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nên tập trung vào tăng trưởng tín dụng về chất hơn về lượng.
Chúng ta hiện vẫn đang chật vật để giải quyết nợ xấu của các năm trước đây do tăng trưởng nóng. Do đó, không cần thiết phải đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.