Lãi suất tín dụng nhà nước: Tăng nhưng vẫn thấp

(ĐTCK-online) Trong khi lãi suất trên thị trường tiền tệ đã bắt đầu hạ nhiệt thì Bộ Tài chính lại công bố điều chỉnh lãi suất tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) của Nhà nước với mức tăng khá mạnh. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, lãi suất TDĐT và TDXK vẫn hoàn toàn phù hợp với lãi suất thị trường.
Ông Phạm Phan Dũng. Ông Phạm Phan Dũng.

Thưa ông, trong khi tất cả NHTMQD và nhiều NHTMCP vừa công bố giảm lãi suất cho vay thì việc nâng lãi suất TDĐT và TDXK liệu có phù hợp?

Mặc dù lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ đã dần ổn định, nhưng vẫn còn cao gần gấp 2 lần so với lãi suất tín dụng của Nhà nước vừa được điều chỉnh. Có thể lấy ví dụ: lãi suất cho vay của các NHTM bình quân từ 18 - 21%/năm, trong khi lãi suất TDĐT mới chỉ có 12%/năm và lãi suất TDXK chỉ có 14,4%/năm. Các mức TDĐT và TDXK vừa được Bộ Tài chính công bố sẽ được duy trì từ nay cho đến hết năm 2008.

Cho dù lãi suất trên thị trường tiền tệ có biến động thế nào đi chăng nữa, thưa ông?

Đúng vậy. Theo quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP về TDĐT và TDXK của Nhà nước, mỗi năm Bộ Tài chính chỉ công bố lãi suất tín dụng nhà nước 2 lần. Năm 2008, Bộ Tài chính đã công bố đủ 2 lần nên sẽ không thực hiện điều chỉnh lãi suất tín dụng nhà nước nữa. Để công bố lãi suất tín dụng nhà nước, Bộ Tài chính căn cứ vào lãi suất trên thị trường là lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) và lãi suất trên thị trường tiền tệ để xác định và công bố lãi suất cho vay tín dụng nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải nói rõ thêm là việc điều chỉnh lãi suất tín dụng nhà nước khác với việc điều chỉnh lãi suất của hệ thống NHTM. Lãi suất của hệ thống NHTM dựa vào cung - cầu vốn trên thị trường để đưa ra lãi suất cho vay, còn việc điều chỉnh lãi suất tín dụng nhà nước phải căn cứ vào lãi suất huy động TPCP để xác định lãi suất cho vay phù hợp. Mức lãi suất tín dụng nhà nước hiện tại là phù hợp với mục tiêu chung, một mặt tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, mặt khác giảm bớt cấp bù của ngân sách.

Theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP, lãi suất TDĐT được xác định bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%/năm. Gần đây, trên thị trường hầu như không phát hành được TPCP, vậy Bộ Tài chính dựa vào đâu để công bố các mức lãi suất trên?

Gần đây, thị trường TPCP có nhiều biến động, các phiên đấu thầu TPCP ít thành công do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, đầu tháng 6/2008, Kho bạc Nhà nước đã phát hành TPCP kỳ hạn 2 năm thành công, lãi suất 10% và 11%/năm; đầu tháng 7/2008, TPCP kỳ hạn 15 năm do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành, lãi suất được xác định ở mức 15%/năm. Ngoài ra, lãi suất TPCP còn được xác định qua thị trường giao dịch TPCP. Trên cơ sở lãi suất TPCP, Bộ Tài chính xác định lãi suất cho vay TDĐT. Đối với TDXK, với mức lãi suất 14,4%/năm là phù hợp, vừa bảo đảm hỗ trợ DN thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường, vừa bảo đảm giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước, vừa không vi phạm quy định của WTO. Tính đến đầu quý III/2008, Ngân hàng Phát triển đã giải ngân cho vay TDXK được hơn 11.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua.

So với lãi suất cho vay VND (12% và 14,4%/năm), lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn rất nhiều (7,8%/năm). Trong điều kiện tỷ giá đã tương đối ổn định, điều gì sẽ khiến DN lựa chọn vay vốn ngoại tệ thay vì VND, thưa ông?

Không thể xảy ra tình trạng DN ồ ạt vay vốn tín dụng nhà nước bằng ngoại tệ thay vì vay VND, bởi vì đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ được quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, chỉ có một số ít dự án có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị mà chủ đầu tư có khả năng cân đối ngoại tệ để trả nợ mới được xem xét cho vay vốn TDĐT bằng ngoại tệ. Đối với TDXK, việc cho vay bằng ngoại tệ chỉ được thực hiện đối với hợp đồng xuất khẩu có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu mà nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

So với mức lãi suất tín dụng nhà nước cũ thì lãi suất vừa được Bộ Tài chính công bố cao hơn rất nhiều. Việc nâng lãi suất cho vay có nhằm mục đích cắt giảm đầu tư công không, thưa ông?

Dù có nâng lãi suất tín dụng nhà nước hay không thì Ngân hàng Phát triển cũng như các cấp, các ngành đều phải thực hiện triệt để Quyết định 390/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2008, phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Phát triển đã rà soát lại các dự án vay vốn TDĐT năm 2008 và chủ động giảm kế hoạch vốn của 175 dự án với số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng, trong đó có 31 dự án nhóm A giảm 2.146 tỷ đồng, tạm dừng giải ngân 8 dự án đã ký hợp đồng tín dụng với số vốn 511 tỷ đồng.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục