Lãi suất tiếp tục tăng, kênh gửi tiết kiệm hút khách

(ĐTCK) Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng, kênh gửi tiết kiệm đang thu hút sự chú ý so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản...
Nhiều ngân hàng liên tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng thời gian qua. Nhiều ngân hàng liên tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng thời gian qua.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản dịp Tết Nguyên đán, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đẩy tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Chẳng hạn, tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn ngắn 2 tháng và 3 tháng đã được nâng lên mức kịch trần là 5,5%/năm, thay vì 5,2%/năm và 5,3%/năm như trước đây; các kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lãi suất cũng tăng lên tương ứng 7,5%/năm và 7,7%/năm, thay vì 6,1%/năm và vì 6,9%/năm như trước.

Tại VPBank, lãi suất tăng được đẩy tăng từ 0,1 - 0,7 điểm phần trăm cho các kỳ hạn, trong đó mức lãi suất cao nhất là 8,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng ở một số sản phẩm. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất là 7,2%/năm, còn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được chào mời ở mức từ 7,7 - 7,8%/năm tùy theo sản phẩm…

Với những ngân hàng quy mô nhỏ hơn, để thu hút người gửi tiền, ngoài việc tăng lãi suất, nhiều chương trình khuyến mại cũng được "đính" kèm theo. Đơn cử, OCB áp dụng chương trình lãi suất nhân đôi, với mức lãi suât huy động lên tới 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,2% cho kỳ hạn 6 tháng. Tại Nam A Bank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 8,3%/năm dành cho kỳ hạn 18 tháng trở lên.

Theo giới chuyên gia, trước khi hạ nhiệt trở lại, làn sóng tăng lãi suất sẽ còn tiếp diễn cho đến sau Tết Nguyên đán. Trong khi đó, mặc dù lãi suất cơ bản đồng đô-la Mỹ liên tục tăng, song lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD trong nước lại không thay đổi so với mức 0% hiện nay. Với việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết trong chủ trương chống đô-la hóa nền kinh tế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ khó có thể tái tăng.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, tuy tỷ giá tiền đồng chịu sức ép trước động thái tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng cả năm qua cũng chỉ tăng khoảng 2%. Như vậy, nếu nắm giữ ngoại tệ cũng không có lợi bằng gửi tiết kiệm VND.

Việc lãi suất tăng giúp kênh gửi tiết kiệm thu hút sự chú ý, nhưng vì là kênh đầu tư an toàn nên thường không mang lại lợi nhuận cao. Đây là lý do vì sao vẫn có nhiều người chọn đầu tư vào vàng, chứng khoán, bất động sản... - là các kênh đầu tư có rủi ro cao, bởi rủi ro cao cũng đi kèm với lợi nhuận cao.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo lâu năm trong ngành tài chính - ngân hàng cho biết, trong năm 2018, một lượng tiền gửi tiết kiệm đã chảy sang kênh đầu tư chứng khoán, nhất là trong 2 quý đầu năm là thời điểm thị trường chứng khoán tăng mạnh. Theo vị này, chứng khoán vẫn là kênh mang lại nhiều cơ hội cho giới kinh doanh cổ phiếu trong năm 2019, khi kinh tế vĩ mỗ tiếp tục ổn định và bản thân thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trở lại sau thời gian giảm điểm mạnh cuối năm qua.

Trong báo cáo về triển vọng thị trường năm 2019 vừa đưa ra, Công ty Chứng khoán VPBank (VCBS) cho rằng, dòng tiền đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, trong bối cảnh tỷ giá không giảm quá 3% và mặt bằng lãi suất huy động biến động không quá 50 điểm cơ bản.

Đối với bất động sản, nhiều chuyên gia phân tích đánh giá, thị trường này sẽ vẫn là kênh có sức hút lớn, bất chấp việc tín dụng dành cho bất động sản bị siết chặt. Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, do đầu tư vào bất động sản đòi hỏi nguồn vốn lớn và là kênh đầu tư có rủi ro cao, nên nhà đầu tư cần chọn sản phẩm của chủ đầu tư có uy tín, năng lực tài chính tốt...

Riêng với vàng, một chuyên gia ngành vàng cho rằng, kim loại quý này đang trong xu hướng hút dòng tiền khi các kênh chứng khoán, bất động sản... có dấu hiệu chững lại. Dù vậy, do tính ổn định của vàng không cao, thường trồi sụt trong ngắn hạn, nên vàng chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục