Lãi suất tiền gửi tăng giảm trái chiều

Một số ngân hàng thực hiện chiến lược cộng thêm lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm, trong khi vài nơi khác lại điều chỉnh giảm.
Giao dịch gửi tiền tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở TP HCM. Ảnh: PV.

Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết từ ngày 2/5 đến 16/5 sẽ cộng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân từ 28 tuổi trở lên gửi tiết kiệm nhận lãi cuối kỳ với thời hạn gửi 6 và 13 tháng. Mức cộng tối đa lên đến 0,7% một năm. Sau khi cộng, mức lãi suất áp dụng tối đa là 7,1% mỗi năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 7,6% một năm đối với kỳ hạn 13 tháng.

Trước đó, BIDV cũng từng cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm online với mức cộng thêm là 0,3% một năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng, 0,1% mỗi năm với các kỳ hạn trên 12 tháng.

Nhưng bên cạnh đó, trên thị trường có một số ngân hàng lại thực hiện động thái giảm bớt lãi suất huy động. Cụ thể, trong tháng 4, Techcombank hai lần giảm lãi suất, đặc biệt kỳ hạn 9-11 tháng đã giảm từ 0,3-0,5% mỗi năm so với đầu năm.

VPBank cũng liên tục giảm lãi suất huy động, hiện tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này chỉ còn mức lãi 4,8% mỗi năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng là 4,9% một năm.

Ngân hàng Nam Á cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,1% mỗi năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng, xuống còn 6,5%; từ 9 tháng trở lên giảm 0,2% một năm.

Đại diện Nam A Bank cho biết, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động là để tạo cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay. Điều này nằm trong định hướng phát triển của ngân hàng cũng như thực hiện theo chủ trương chung của Nhà nước.

Nhìn nhận về diễn biến trái chiều của lãi suất huy động giữa các ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, việc các nhà băng thay đổi lãi suất huy động có lẽ xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau.

Một số giảm nhẹ lãi suất tiền gửi là để cơ cấu lại nguồn vốn, trong khi số khác tăng lên có thể do nhu cầu cho vay lớn, nên họ tăng cường hút vốn.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục