Lãi suất tăng đang siết chặt các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp

(ĐTCK) Lãnh đạo một số cơ quan tài chính toàn cầu cảnh báo rằng, lãi suất tăng đang làm gia tăng áp lực đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp, và khoảng 60% trong số đó hiện đang hoặc có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.
Người dân Ghana trong cuộc biểu tình "Ku Me Preko" để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao ngày 5/11/2022

Gánh nặng nợ công tại các nước đang phát triển đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu liên tiếp xảy ra, trong khi nhiều quốc gia nợ nhiều cũng đang phải đối phó với những áp lực đặc thù từ sự kiện khí hậu hoặc xung đột địa chính trị.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong năm qua để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, rất nhiều khoản nợ do các quốc gia có thu nhập thấp tích lũy sẽ đáo hạn trong vài năm tới, và lãi suất tăng có nghĩa là các quốc gia này sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thiết lập một loạt các biện pháp cứu trợ trong những năm gần đây, bao gồm Khuôn khổ Bền vững Nợ của IMF-WB được thiết kế để hướng dẫn vay của các quốc gia có thu nhập thấp theo cách đảm bảo sự ổn định của tài chính công.

Trong khi đó, Ghana vào tháng 1 đã trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách xử lý nợ theo Khuôn khổ chung cùng với Chad, Ethiopia và Zambia. Khuôn khổ chung của G20 là một sáng kiến được Câu lạc bộ Paris thành lập vào cuối năm 2020 để cung cấp hỗ trợ bổ sung dưới hình thức tài trợ cho các quốc gia có nền kinh tế không bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai vẫn chưa suôn sẻ. Là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ vào năm 2020 sau khi đại dịch bùng phát, Zambia đầu tháng này đã phàn nàn rằng, họ đang gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu nợ vì hai chủ nợ chính là các trái chủ quốc tế và Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận.

IMF cho biết đầu tháng này rằng, đợt tiếp theo của khoản vay cứu trợ trị giá 1,3 tỷ USD của Zambia phụ thuộc vào việc đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ.

Mặc dù đã có các điều khoản, Giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg cho biết, với lãi suất vẫn tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, cần có nhiều nỗ lực hợp tác hơn từ các cơ quan quốc tế và các nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, lãi suất cao ở các quốc gia phát triển như Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại với các tài sản bằng đô la và hạn chế đầu tư ra nước ngoài.

“Đặc biệt là các nước nghèo nhất đang phải chịu gánh nặng vì họ gặp khó khăn trước hết trong việc thu hút vốn và họ cũng phải đối phó với các cuộc khủng hoảng khác từ xung đột đến khí hậu, vì vậy đây là thời điểm khó khăn”, ông Axel van Trotsenburg cho biết.

Giải quyết những lo ngại về tác động của việc tăng lãi suất đối với sự ổn định tài chính và tính bền vững của nợ ở các nước đang phát triển, Makhtar Diop, Giám đốc điều hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, tình trạng nợ nần là “một trong những rủi ro chính” mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong ngắn hạn, đặc biệt là khi nhiều rủi ro khoản nợ sắp đến hạn thanh toán.

“Đó thực sự là điều mà chúng tôi đã nêu ra cách đây một thập kỷ khi chúng tôi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về mức nợ của các quốc gia có thu nhập thấp. Chúng tôi đã cảnh báo họ rằng, các điều kiện mà khoản nợ này có thể được thanh toán và tái cấp vốn trong tương lai có thể là những điều kiện tồi tệ hơn và sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của nền kinh tế”, ông cho biết.

Ông cho biết, việc thiết lập một con đường vững chắc hướng tới tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ cho phép họ tạo ra đầu tư và có cơ hội tốt hơn để đáp ứng các nghĩa vụ cho vay trong tương lai.

Ông cũng gợi ý rằng, các tổ chức như Câu lạc bộ Paris nên bao gồm một số người đi vay được đề cập, thay vì chỉ những người cho vay lớn nhất thế giới để đưa người đi vay và cho vay vào cùng một cuộc trò chuyện, để đạt được các giải pháp khả thi hơn.

“Rất nhiều khoản nợ được tính bằng đồng đô la khi các quốc gia tạo ra thu nhập bằng đồng nội tệ, vì vậy việc mở rộng thị trường vốn sẽ rất quan trọng đối với các quốc gia để có thể bù đắp một số rủi ro dài hạn này”, ông Makhtar Diop cho biết.

IMF tuần trước dự báo rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ vào khoảng 3% trong 5 năm tới, đây là mức dự báo trung hạn thấp nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF trong hơn 30 năm.

Trong ngắn hạn, IMF dự kiến ​​tăng trưởng toàn cầu là 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với ước tính được công bố vào tháng 1.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục