Lãi suất sẽ trở về mức hợp lý

(ĐTCK-online) Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Lý Xuân Hải cho rằng, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận và kể cả huy động trong thời gian tới sẽ theo xu thế giảm.
Lãi suất sẽ trở về mức hợp lý

Tuy nhiên, lãi suất huy động và cho vay không giảm quá sâu và sẽ ở mức độ hợp lý để các DN vay vốn hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo được giá trị đồng nội tệ. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hải về vấn đề này.

>> Minh bạch hóa thị trường tín dụng

>> Chính thức mở LS thỏa thuận cho các khoản vay ngắn hạn   

>> Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Thỏa thuận không có nghĩa là nới lỏng!” 

>> ACB tăng lãi suất huy động VND lên xấp xỉ 12%/năm 

Dư luận cho rằng, thời gian qua, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, không mở rộng sản xuất - kinh doanh do áp lực lãi vay cao. Xin cho biết nhận xét của ông về vấn đề này?

Đầu năm 2010, sau khi chương trình hỗ trợ lãi suất ngưng lại, cùng với yếu tố mùa vụ (Tết) và các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến cho lãi suất tăng cao…, dẫn đến nhu cầu vay vốn bị chững lại, các DN có phần hạn chế và “nghe ngóng” trong việc vay vốn, do lo ngại áp lực lãi suất. Nhưng đến nay, do yếu tố mùa vụ đã qua, cùng với thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn, giúp lãi suất cho vay thỏa thuận giảm xuống ở mức 14 - 15,5%/năm tùy thuộc vào quy mô và mức độ rủi ro của từng khoản vay.

Mức lãi suất này tương đương với mức lãi suất cho vay ở các năm 2006 - 2007. Bên cạnh đó, nền kinh tế đã phục hồi và đang tăng trưởng khá. Chính ba yếu tố trên là tiền đề cho phát triển tín dụng trở lại và khả năng dư nợ cho vay sẽ được cải thiện trong những quý tới.

 

Theo chủ trương, lãi suất cho vay sẽ giảm, nhất là sau khi bỏ trần lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn. Theo ông, lãi suất cho vay sẽ giảm đến mức nào và vì sao?

Tôi cho rằng, xu thế lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm trong thời gian trước mắt. Căn cứ vào sự tương quan của 3 yếu tố: lãi suất huy động VND và ngoại tệ, lạm phát dự kiến (7 - 8%) và tỷ giá. Tuy nhiên, lãi suất sẽ giảm không quá sâu, để các DN vay vốn hoạt động hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được giá trị VND.

Dự báo mức lãi suất huy động thực tế và mức lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay sẽ là mức trần lãi suất của thị trường, với xu thế giảm dần của cả lãi suất huy động và cho vay trong giai đoạn tới.

 

Lãi suất huy động thực tế dù có giảm chút ít nhưng vẫn ở mức 12 - 13%/năm. Với lãi suất cho vay thỏa thuận dự định kéo xuống 14%/năm, liệu ngân hàng có cân đối được chi phí?

Theo tôi, lãi suất huy động sẽ từ mức 10,5% đến dưới 12% tùy vào từng kỳ hạn khác nhau. Còn lãi suất cho vay sẽ ở mức 14 - 16% đối với khách hàng quy mô trung bình, đó là mức lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay cho cả bên cho vay và đi vay.

Với ACB thì thế nào thưa ông, Ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức nào và nguồn vốn dành để hỗ trợ tín dụng sản xuất - kinh doanh ra sao trong thời gian tới?

ACB sẽ dành ngân sách 20.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vay vốn của khách hàng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa và các khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu. Mức lãi suất ở mức thấp, từ 14 - 15% năm tùy quy mô và độ rủi ro của khoản vay. Các khoản vay tiêu dùng cũng sẽ được chú trọng.

 

Đối tượng khách hàng mà Ngân hàng chú trọng trong phát triển tín dụng năm 2010 có gì thay đổi so với năm trước, thưa ông?

Khách hàng mục tiêu của ACB là các DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình trở lên. ACB sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn vay một cách nhanh chóng, với mức lãi suất hợp lý nhất. ACB luôn đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu, vì thế tỷ lệ rủi ro luôn được chúng tôi kiểm soát ở mức thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng đặt ra cho năm nay là 54%; tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo quy định hiện hành phải dưới 1%.

 

Theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, các NHTM cần minh bạch hóa lãi suất huy động, ACB đã thực hiện chủ trương này như thế nào?

Chúng tôi đã công khai mức huy động tiết kiệm một cách minh bạch theo đúng chủ trương này của Chính phủ và NHNN, bên cạnh việc chuẩn bị các kịch bản cụ thể cho việc áp dụng lãi suất thỏa thuận một cách toàn diện sau khi NHNN cho phép. Việc này cũng đã được ACB thông báo kịp thời đến Hiệp hội Ngân hàng.

Chúng tôi hành động trên cơ sở nhận thức được rằng, thị trường đã đi vào ổn định và các định hướng của Chính phủ và chủ trương của NHNN là rõ ràng: giá của đồng vốn cần mang tính thị trường và cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng nhiều hơn các biện pháp gián tiếp, hạn chế các quy định mang tính hành chính… để quản lý thị trường và vì thế tính dự báo của thị trường sẽ minh bạch hơn nhiều. Đó là tiền đề rất tốt để hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển và tận dụng cơ hội vươn lên.

Vân Linh thực hiện.
Vân Linh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục