Ông nhận định thế nào về xu hướng lãi suất cho vay trong thời gian tới?
Với 28 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại của Việt Nam đã về mức thấp và khó có thể giảm sâu hơn.
Theo tôi, mức lãi suất 8,16%/năm hiện nay được xem là mức tốt nhất để vay. Nếu nhìn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong 1, 2 năm tới, khả năng lạm phát sẽ tăng lên. Khi đó, khả năng, mặt bằng lãi suất cũng tăng trở lại.
Theo ông, làm thế nào để người dân, doanh nghiệp có thể mạnh dạn, yên tâm tiếp cận vốn lúc này?
Lãi suất luôn là mối bận tâm hàng đầu đối với khách hàng, nhưng chỉ lãi suất thấp thôi là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân chưa có nhiều kỳ vọng được cải thiện khi nền kinh tế đang chững lại hiện nay. Điều mà khách hàng cần còn là một chính sách lãi suất ổn định, bền vững, đặc biệt là với các khoản vay dài hạn như vay mua bất động sản. Hiện các ngân hàng đều có những gói ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng vay vốn mua nhà. Tuy nhiên, rất ít ngân hàng đang đưa ra các gói ưu đãi cố định lãi suất trong thời gian dài (2-3 năm).
Theo tôi, trước khi quyết định vay, khách hàng nên xác định được nhu cầu vay cũng như tìm hiểu về các gói vốn ưu đãi để có được mức lãi suất tốt nhất. Còn đối với doanh nghiệp có nhu cầu vốn để bổ sung vốn lưu động hoặc đầu tư mở rộng nhà xưởng, nên tìm hiểu các gói vốn ưu đãi lãi suất mang tính chất ổn định. Đồng thời, khách hàng cũng cần đọc kỹ cả dòng chữ in nhỏ trên hợp đồng tín dụng để tránh bất ngờ về các loại phí đi kèm với lãi suất ưu đãi mà một số ngân hàng đang áp dụng.
Nhưng thực tế, không phải khách hàng nào cũng dễ vay được vốn rẻ, thưa ông?
Thách thức lớn nhất trong việc cho vay đối với khách hàng, nhất là các DN vừa và nhỏ hay hộ kinh doanh cá thể là khó chứng minh được thu nhập thỏa mãn yêu cầu của ngân hàng. Vì ngân hàng luôn yêu cầu hóa đơn chứng từ, trong khi đó các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí cả DN vừa và nhỏ, việc chứng minh đầy đủ chứng từ là không dễ.
Tuy nhiên, chúng tôi đang từng bước để tìm ra giải pháp để minh bạch được nguồn thu đó, nhằm cung cấp, hỗ trợ vốn cho khách hàng là những đối tượng trên. Chẳng hạn như làm việc với các công ty mẹ, nhà cung cấp, phân phối… để từ đó, tìm ra được một số thông tin thiết yếu chứng minh cho doanh thu của các cửa hàng, DN vừa và nhỏ. Thứ nhất là cho vay vốn bổ sung vốn lưu động dựa trên doanh thu và hàng tồn kho, hay còn gọi là cho vay tín chấp, thấu chi. Thứ hai là khi các tiểu thương có nhu cầu mua thêm hàng hóa và muốn thế chấp bằng sạp chợ của mình thì được xem là vay có tài sản đảm bảo.
Nhận định của ông về nhu cầu vốn của khách hàng trong năm 2015 ra sao? Làm thế nào để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mà theo quy luật thường chậm vào đầu năm?
Nhu cầu vốn của khách hàng đầu năm có thể chưa tăng trưởng mạnh, nhưng bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng của VIB trong năm 2014 tương đối khả quan và chúng tôi kỳ vọng tín dụng trong năm 2015 tiếp tục tăng trưởng tốt, bởi có nhiều dự báo triển vọng kinh tế trong năm nay sẽ ấm dần lên.
Ở VIB, chúng tôi xây dựng kế hoạch cả năm và kế hoạch hàng tháng. Vì thế, có thể trong những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, để có thể giải quyết được bài toán này theo tính mùa vụ, chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp để đẩy mạnh như hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay cán bộ nhân viên của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn… với mức lãi suất ưu đãi. Đồng thời, VIB cũng sẽ có những động thái để từng bước đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ vào cuối năm.
Lãi suất cho vay giảm mạnh do các ngân hàng cạnh tranh lãi suất tìm kiếm khách hàng, đồng nghĩa với biên lợi nhuận bị thu hẹp. Điều đó có là áp lực đối ngân hàng trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay hay không, thưa ông?
Chúng tôi sẽ lựa chọn những khách hàng có chất lượng tốt, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Có thể, khi đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi cho khách hàng, chúng tôi cũng phải hy sinh một phần lợi nhuận thu về trong hoạt động kinh doanh tín dụng. Nhưng đổi lại, VIB có số lượng khách hàng tốt nên hạn chế được khoản dự phòng rủi ro thì lợi nhuận thu về trong kinh doanh tín dụng cũng sẽ bền vững hơn.
Năm qua, VIB đã kiểm soát chất lượng rủi ro nợ xấu rất gắt gao và vượt mức kỳ vọng của HĐQT, khi tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 chỉ còn 2,51% so với mức 2,82% cuối năm 2013. Vì thế, nếu phải hy sinh trước mắt để có lợi nhuận tốt hơn trong tương lai thì tôi tin rằng, Ngân hàng sẵn sàng chấp nhận để có lượng khách hàng tốt.