Lãi suất margin: Ai “cắt cổ” ai?

Vì lo ngại rủi ro, ngân hàng "cắt cổ" CTCK, CTCK lại "cắt cổ" khách hàng và hậu quả là nguồn thu của cả CTCK và ngân hàng đều bị giảm khi khách hàng ngại vay.
Lãi suất margin: Ai “cắt cổ” ai?
Theo quy trình, ngân hàng cho CTCK vay, CTCK có tiền mới cấp margin cho khách hàng, nếu CTCK không có tài sản đảm bảo sẽ bị “out” ngay từ đầu nếu có ý định vay vốn.
Lãi suất giao dịch ký quỹ (margin) tại các CTCK đang dao động trong khoảng 18-20%/năm, tức 0,05-0,055%/ngày, trong khi lãi suất của ngân hàng (NH) cho các CTCK vay cũng xoay quanh 18%/năm. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất margin rất khó giảm mạnh theo kỳ vọng của nhiều NĐT.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế, chỉ ra một thực trạng: ngân hàng đang rất dè dặt trong việc cấp vốn cho CTCK với lý do “chứng khoán rất rủi ro”. Trong khi vài năm trước các NH cho CTCK vay khá dễ dàng, thậm chí vay tín chấp nhưng nay luôn đòi hỏi tài sản đảm bảo. Mấu chốt của vấn đề nằm ở tài sản đảm bảo và quản lý rủi ro.
Theo quy trình, NH cho CTCK vay, CTCK có tiền mới cấp margin cho khách hàng, nếu CTCK không có tài sản đảm bảo sẽ bị “out” ngay từ đầu nếu có ý định vay vốn. Theo đó, tài sản đảm bảo của CTCK thông thường là CP, phần lớn là CP tự doanh. Cũng có trường hợp CTCK không tự doanh nhưng với uy tín lớn, thông qua thị phần và tiền ký quỹ của khách hàng nên được ưu ái vay tín chấp nhưng rất ít ỏi.
Vậy những CTCK không tự doanh, thị phần trung bình lấy tài sản ở đâu đảm bảo? Sẽ có một số giải pháp như CTCK mua vào CP bằng tài khoản tự doanh (nếu được phép thực hiện nghiệp vụ này), hoặc vay từ các cổ đông lớn, thậm chí vay nóng. Nhưng nếu xảy ra các trường hợp này, việc nhận diện vốn vay của CTCK còn phức tạp hơn.
Ở đây, cần lưu ý khi nói nợ xấu bất động sản, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc các chủ đầu tư nợ NH, còn nói nợ xấu chứng khoán là nghĩ đến việc khách hàng nợ CTCK. Điều đó cho thấy các NH vẫn quản dòng vốn của mình tại các CTCK khá tốt.
Gần đây, con số 485 tỷ đồng nợ xấu cho vay chứng khoán đã được công bố, một con số không quá lớn nếu so với nợ xấu bất động sản lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, đã phần nào minh chứng cho vấn đề trên. Vậy tại sao các NH vẫn rất dè dặt với CTCK.
Giả sử NH cho CTCK vay, sau đó CTCK cấp margin cho khách hàng và NH quản được khách hàng của CTCK mua CP nào, rủi ro ra sao, lúc này NH sẽ không phải yêu cầu CTCK có tài sản đảm bảo. TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng mấu chốt ở chỗ các NH chưa thể hoặc chưa muốn làm việc này.
Điều dễ thấy là NH và CTCK nếu kết hợp để quản lý, tách bạch tài khoản tiền của NĐT, việc quản lý danh mục chứng khoán của khách hàng không phải là thách thức lớn. Hiện có CTCK chưa thể triển khai margin vẫn kết hợp với NH để cung cấp sản phẩm cầm cố chứng khoán cho khách hàng. Cụ thể hơn, việc cầm cố do NH thực hiện chứ không phải CTCK, chứng tỏ NH vẫn có thể theo sát danh mục của NĐT.
Về việc lãi suất NH cho CTCK vay (đầu vào) gần bằng lãi suất CTCK cấp margin cho khách hàng (đầu ra), liệu CTCK nào có thể xoay sở? Thời điểm khó khăn, mục tiêu tồn tại là quan trọng nên nhiều CTCK cũng chỉ cần có khách, từ đó lấy nguồn này đắp cho nguồn kia.
Chẳng hạn margin không lãi nhiều, nhưng khách hàng sử dụng margin lớn có thể thu được từ phí giao dịch, sau đó kết hợp thêm với tiền lãi từ cho vay ứng trước. Điểm kế tiếp là mức lãi suất đưa ra khoảng 18-19%/năm là giữa NH và CTCK thông thường, còn trong trường hợp NH và CTCK có quan hệ thân thiết như NH mẹ và CTCK, hoặc NH và CTCK trong cùng hệ thống, cùng ông chủ, sẽ có sự ưu đãi nhất định bên cạnh những điều kiện vốn rất chặt chẽ.
Trường hợp CTCK kết hợp với một NH ruột, có thể NH đề xuất một bộ phận nghiên cứu, xem xét những CP mà CTCK cấp margin cho khách hàng giao dịch. Nhưng đi theo hướng này không đơn giản vì rất nhiều lý do như NH cùng lúc không thể kết thân với quá nhiều CTCK, trong khi CTCK chơi thân được với NH ít ra cũng phải có số… Vậy tại sao các NH và CTCK khác nhau không thể dựa vào đây để thiết lập những sự kiểm soát chặt chẽ hơn?
Một trường hợp khác mà CTCK vẫn có thể sống khỏe, thậm chí lãi suất bao nhiêu vẫn có lãi, đó là những CTCK sử dụng vốn tự có để cấp cho khách hàng. Không phải chịu chi phí lãi vay, các CTCK này có thể ung dung cấp vốn cho khách hàng.
Nhưng ở đây sẽ có câu hỏi để nhận diện một số ít CTCK thuộc nhóm này, nhưng lãi suất margin của nhóm này cũng không hề rẻ hơn so với mức lãi suất chung trên thị trường, trong khi về lý mà nói nhóm này phải đi đầu trong thực hiện giảm lãi suất margin. Có khá nhiều lý do được đưa ra, chẳng hạn như cho vay margin vẫn quá rủi ro; giờ đây CTCK chỉ lấy hoạt động môi giới làm cốt lõi, không thu được thêm nguồn nào khác nên không thể hạ giá…
Cũng có ý kiến cho rằng nếu hạ lãi suất, CTCK có thể gặp điều tiếng phá giá và không tốt trong kinh doanh. Chừng nào CTCK chỉ dựa vào những điểm lợi thế, khác biệt của mình để triển khai hoạt động margin, khi đó vẫn còn một bộ phận khách hàng, thị trường, thậm chí là NH chưa được hưởng lợi.
Nếu vì ngại rủi ro, NH “cắt cổ” CTCK, CTCK lại “cắt cổ” khách hàng và hậu quả là khách hàng ngại vay, theo đó nguồn thu của cả CTCK và NH đều bị giảm.

Sài gòn đầu tư
Sài gòn đầu tư

Tin cùng chuyên mục