Lãi suất "không thèm chấp" lạm phát

Lạm phát giảm là cơ sở để giảm lãi suất. Nguyên lý đó xem ra đã không còn đúng khi lãi suất hiện nay đang phục thuộc vào yếu tố khác: vấn đề thanh khoản.
Lãi suất "không thèm chấp" lạm phát

Trên thực tế, đến thời điểm này việc giảm lãi suất vẫn chưa có những dấu hiệu nào khả quan. Trong khi đó, những thông báo từ cơ quan điều hành cho thấy, việc giảm lãi suất còn khó khăn do nhiều yếu tố không hẳn chỉ là lạm phát.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, nói hạ lãi suất, nhưng không phải nói là làm được ngay. Và cái khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được lãi suất. Giải thích từ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết lạm phát đang có  chuyển biến, nền tảng để có thể giảm lãi suất nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết  định duy nhất mà phải đảm bảo thanh khoản.

Theo đó, lời giải thích từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy, khi bình thường tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được.

Và đến đây thì một thực tế khác đã bộc lộ, lãi suất tăng cao không phải chỉ để kiềm chế lạm phát, vì sự ổn định kinh tế mà lãi suất đang phục vụ cho vấn đề thanh khoản, trong đó có vấn đề thanh khoản của ngân hàng là quan trọng nhất. Điều này có thể hiểu, khả năng giảm lãi suất sẽ là không thể trong thời điểm hiện nay khi thanh khoản ngân hàng còn căng thẳng như hiện nay.

Đây thực sự là một nghịch lý, khi những ngày cuối năm, các ngân hàng dù kẻ cao người thấp đều công bố những con số lãi cả ngàn tỷ đồng, trong khi đó tình hình kinh tế nói chung và thực tế sản xuất kinh doanh của DN là rất khó khăn. Giảm lãi suất không còn là mong muốn của DN, Chính phủ mà là yêu cầu phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, có vẻ như lãi suất đang đi ngược dòng với tất cả. Và người ta cũng gạt sang một bên điều đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là lạm phát giảm thì lãi suất sẽ giảm. Thay vào đó, lãi suất đang phụ thuộc vào một yếu tố khác: thanh khoản. Và lãi suất cần phải được duy trì cao để phục vụ thanh khoản.

Nhưng thanh khoản ở đâu là căng thẳng nhất và nguyên nhân tại sao lại dẫn đến điều đó thì dường như ai cũng hiểu. Tất nhiên thật khó để đổ cho DN khi họ đang chết dần vì lãi suất cao và mong đợi giảm lãi suất không chỉ của DN mà của cả nền kinh tế.

Những nỗ lực giảm lạm phát, ổn định vĩ mô mang lại kỳ vọng giảm lãi suất xem ra không có tác động, khi lãi suất không không thèm chấp lạm phát mà đang bị chi phối bởi những yếu tố khác. Và điều này kéo dài thật là nguy hại khi nó buộc nền kinh tế và các DN phải đánh đổi nhiều hơn.


VNN

Tin cùng chuyên mục