“Co kéo” để ổn định lãi suất cuối năm
Thực tế, từ tháng 9, lãi suất tiền gửi đến từ nhóm ngân hàng nhỏ, quy mô trung bình liên tiếp được điều chỉnh tăng, trong bối cảnh các yếu tố gây áp lực lên lãi suất xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là sức ép lạm phát, đồng Việt Nam phá giá, thanh khoản của hệ thống giảm mức độ dồi dào sau những đợt hút đồng Việt Nam từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua hoạt động mua vào ngoại tệ.
Điểm đáng chú ý là ngay cả các ngân hàng có vốn của nhà nước cũng tham gia mạnh mẽ xu hướng tăng lãi suất huy động và lãi suất nhóm "Big 4" còn vượt cả các ngân hàng tư nhân. Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều đã tăng lãi suất cho cả kỳ hạn dài lẫn kỳ hạn ngắn, thậm chí có ngân hàng tăng lãi suất đến 3 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
Nhận định về việc tăng lãi suất, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp, mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe, tiêu dùng...".
Với việc lãi suất huy động tăng, một mặt bằng lãi suất mới được thiết lập và đi kèm với đó là mối lo lãi suất cho vay sẽ tăng. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng: “Đối với các khoản vay cũ, lãi suất cho vay vẫn bình thường. Tuy nhiên, các khoản vay mới sẽ rất khó khăn để có được mức lãi suất như trước, bởi ngân hàng đang phải huy động vốn với lãi suất cao. Ngân hàng cần phải có một khoảng margin đủ để đảm bảo an toàn cho hoạt động”.
Đó là mối lo mà chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần có phương án xử lý ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng...
Tiếp đó, tại Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doan nghiệp vừa được ban hành hồi trung tuần tháng 11/2018, NHNN được giao một loạt nhiệm vụ để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Đặc biệt, để giảm chi phí tín dụng, dịch vụ ngân hàng, NHNN cũng được giao tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định yêu cầu ngân hàng công khai, minh bạch quy định cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận, lựa chọn dịch vụ, chi phí phù hợp và có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ.
“Rõ ràng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN là giữ ổn định lãi suất cho vay và đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng từ nay cho đến cuối năm. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong bối cảnh các ngân hàng đang 'dâng' lãi suất huy động, theo đó lãi suất cho vay cũng tăng. Dù vậy, NHNN đã có sự chuẩn bị, thậm chí có thể sử dụng mệnh lệnh hành chính, nên không khó để cơ quan này kiểm soát được việc giữ ổn định lãi suất cho vay đến cuối năm. Tuy nhiên, đầu năm 2019 sẽ là một câu chuyện khác”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Các nhân tố “đẩy” lãi suất tăng trong năm 2019
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cổ phần nói: “Với chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm của NHNN, các ngân hàng cần sớm có giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt, thay vì tăng lãi suất đầu ra. Khả năng giữ mặt bằng lãi suất cho vay không tăng trong những tháng cuối năm 2018 là có thể, nhưng năm 2019 lãi suất sẽ tăng”.
Thực tế cho thấy, sức ép đối với tăng lãi suất là khá rõ ràng. Trên thế giới, trong bối cảnh Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD, ngân hàng trung ương của nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Philippines, Indonesia… đã và đang lên kế hoạch nâng tiếp lãi suất. Với Việt Nam, dù những năm qua Chính phủ luôn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng hiện tại, áp lực lạm phát tăng vẫn lớn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân chủ quan giúp lạm phát những năm gần đây được kiểm soát là nhờ chính sách tiền tệ, còn nguyên nhân khách quan là do giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là mặt hàng dầu giảm mạnh, chứ chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa nhiều cải thiện. Năm 2018, kiểm soát lạm phát được thực hiện trên cơ sở kiểm soát các nhân tố như không tăng giá điện, hạn chế tăng giá xăng dầu..., nên kết quả chưa thực sự bền vững.
“Nhiều khả năng lạm phát năm nay tiếp tục đạt mục tiêu đề ra, nhưng các nhân tố được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến chỉ số này trong năm 2019.
Theo đó, NHNN sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đang áp dụng điều này, nên Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Một yếu tố quan trọng nữa là thời gian qua, USD biến động mạnh trên thị trường thế giới, nhưng tỷ giá trong nước được duy trì khá ổn định được đánh giá một phần cũng nhờ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được duy trì ở mức khá cao, góp phần nâng cao vị thế cho VND so với USD.
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao sẽ làm lung lay phần nào vị thế của đồng nội tệ. Lãi suất USD hiện ở mức 0%/năm nên không thể giảm thấp hơn được nữa, vì vậy lãi suất đồng Việt Nam buộc phải tăng cao hơn để tạo vị thế, giảm sức ép lên tỷ giá.
Vị tổng giám đốc trên phân tích thêm: “Tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới dự kiến sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017, trong khi nhu cầu của nền kinh tế vẫn lớn. Cung ít - cầu nhiều sẽ tạo sức ép tăng lãi suất”.
Báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, trong năm 2019, mặt bằng lãi suất dự báo tăng từ 0,25-0,5 điểm phần trăm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, NHNN có thể cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất điều hành, chủ yếu là lãi suất tái cấp vốn. Hiện lãi suất tái cấp vốn đang áp dụng là 6,25%/năm và mức lãi suất này cũng đã kéo dài khoảng hơn 1 năm (từ tháng 7/2017).
“Năm tới, có thể NHNN sẽ tăng nhẹ lãi suất điều hành ở mức 0,25%/năm, để một mặt phù hợp với xu thế tăng lãi suất trên thế giới, mặt khác giúp tăng mức độ hấp dẫn của VND so với USD trong bối cảnh 'đồng bạc xanh' tiếp tục tăng giá”, TS. Lực nói.
Được biết, tháng 6/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã khuyến nghị Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc đầu tư.