Lãi suất huy động khó giảm thêm

Nếu CPI ở mức 7% thì lãi suất huy động nên duy trì ở mức 9%/năm để hấp dẫn người gửi tiền, nếu không tiền nhàn rỗi sẽ lại tìm kênh đầu tư khác.
Lãi suất huy động khó giảm thêm

Theo TS. Trần Du Lịch, từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn điều hành nền kinh tế theo Nghị quyết 13, kích thích tăng tổng cầu. Lãi suất huy động khó giảm hơn nữa vì nếu CPI ở mức 7% thì lãi suất huy động nên duy trì ở mức 9%/năm để hấp dẫn người gửi tiền, nếu không tiền nhàn rỗi của người dân sẽ lại tìm kênh đầu tư khác.

 

Theo báo cáo “Động thái doanh nghiệp Việt Nam”, Th.S Đoàn Thị Quyên – Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 xấu hơn so với 6 tháng cuối năm 2011, với chỉ tiêu lợi nhuận giảm sâu nhất (âm 29 điểm), do chi phí đầu vào tăng cao, chi phí bảo quản hàng tồn kho tăng… trong khi giá bán không tăng khiến lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

 

Tính đến nay, có tới 35.483 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đây là vấn đề cần phải ngăn chặn. Còn theo TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, thị trường hiện nay đang trong tình trạng doanh nghiệp cần vay vốn thì lại có nợ xấu, còn doanh nghiệp được vay thì lại không vay vì sức mua thị trường yếu. Vấn đề là làm sao giải quyết niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường và nền kinh tế vĩ mô.

 

Trong khi đó, Chính phủ cũng đã làm hết sức để vực dậy thị trường bằng cách kích thích tổng cầu (Nghị quyết 13). Chính phủ đã nỗ lực bơm tiền trong kế hoạch bao gồm toàn bộ ngân sách đầu tư, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu (Quốc hội đã thông qua) để kích cầu thị trường, điều này đã làm ấm lại thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó Chính phủ và NHNN đã nỗ lực giải quyết vấn đề tín dụng trong một số lĩnh vực như: xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, điều này làm cho hàng tồn kho giảm mặc dù giảm chậm, từ mức 34% xuống còn 25-26% và trong tháng 8/2012 đã có tín hiệu tăng trở lại của lĩnh vực vật liệu xây dựng. Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã tích cực hỗ trợ các NHTM ổn định thanh khoản, ổn định tỷ giá, gia tăng dự trữ ngoại hối, thị trường vàng không lên xuống bất thường đã giúp cho nền kinh tế vĩ mô giảm những biến động bất ổn.

 

Đáy của tăng trưởng đã được xác định là rơi vào quý I/2012 với mức tăng trưởng là 4%, quý II/2010 là 4,66%, dự báo GDP quý III/2012 là 5,6% và GDP cả năm 2012 là 5,3%. Như vậy, sự nhích dần của GDP bắt đầu từ quý II/2012 trở đi. Tuy nhiên, sự nhích lên này như sức khỏe của người bệnh vẫn còn yếu ớt, không đủ sức lan tỏa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo năm nay ở mức một con số, khoảng 5-6%. CPI giảm không phải do chi phí sản xuất giảm mà do tổng cầu giảm. Điều này cần phải cẩn trọng, nếu tổng cầu tăng trở lại thì lạm phát ngay lập tức sẽ tăng.

 

Theo quan điểm của TS. Trần Du Lịch, nên để CPI cả năm nay ở mức 7-7,5%, để nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Do vậy, nếu 4 tháng còn lại của năm nay mà CPI tăng khoảng 1% thì chúng ta cũng không nên quá lo ngại. Do vậy, để kích thích tổng cầu tăng trở lại với kế hoạch tăng tín dụng khoảng 6%, nghĩa là tín dụng sẽ tăng 1,5%/tháng. Từ nay đến cuối năm qua hai kênh là tín dụng và đầu tư công có thể bơm ra thị trường đến 95.000 tỷ đồng/tháng. Nhưng vấn đề hiện nay không phải là bơm ra bao nhiêu tiền mà là nền kinh tế không hấp thụ được vốn, vì nợ xấu đang tăng cao.

 

Từ nay đến cuối năm, theo ông Trần Du Lịch, Chính phủ vẫn điều hành nền kinh tế theo Nghị quyết 13, kích thích tăng tổng cầu. Lãi suất huy động khó giảm hơn nữa vì nếu CPI ở mức 7% thì lãi suất huy động nên duy trì ở mức 9%/năm để hấp dẫn người gửi tiền, nếu không tiền nhàn rỗi của người dân sẽ lại tìm kênh đầu tư khác. Về tỷ giá sẽ chỉ biến động tối đa là 2%. Còn theo TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm và tín dụng sẽ tăng trong giai đoạn cuối năm. Nhưng với kết cấu giai đoạn mới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn đối đầu với nguồn vốn hạn chế, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải quyết liệt cấu trúc lại và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

 

Hiện kinh tế thế giới vẫn chìm sâu trong khó khăn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới 2012 khoảng 3,5%, và khoảng 3,9% trong năm 2013. Kinh tế Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng tối đa 5,5% trong năm 2013. Các loại thị trường chưa thể khởi sắc, đầu tư chưa tăng nhanh do hấp thụ vốn yếu, sức mua tăng chậm, thị trường bất động sản sẽ còn giảm nữa, thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ông Lịch cho rằng, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do cơ cấu của nền kinh tế nên chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn không thể nới lỏng được, lưỡi hái lạm phát vẫn treo lơ lửng cho nền kinh tế Việt Nam . Năm 2013, CPI cũng khoảng 7%, tỷ giá cũng ổn định ở biên độ 3%, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa để phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ một phần thị trường để phục hồi tăng trưởng, củng cố hệ thống NHTM, xử lý nợ xấu là vấn đề ưu tiên số một, vai trò tác động của Nhà nước chỉ ở mức độ và chính thị trường mới điều tiết.


Thời báo Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục