Lãi suất giảm, nhưng vẫn vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp

Lãi suất cao, khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi đang bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp giảm sức chống chịu vì khó tiếp cận vốn tín dụng

Phát biểu tại “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ” mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, có đến 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, cố gắng giữ chân lao động và gần như không có nhu cầu, hoặc ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi đã ban hành.

Mặc dù, NHNN đã 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,3-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, dù các ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận, đây đang là một vấn đề nhức nhối.

“Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp hiện còn rất yếu. Do đó, việc ban hành chính sách đã rất rõ ràng, thì các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện, không để xuất hiện độ trễ là cần thiết”, bà Kim Chi đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Phát Thành thông tin, doanh nghiệp đang là khách hàng của 4 ngân hàng thương mại, nhưng chưa nhận được động thái giảm lãi vay từ các ngân hàng này. Do đó Hưng Phát Thành đang cố gắng đàm phán với ngân hàng mới với mức lãi vay 7,5%/năm để giảm áp lực cho hoạt động sản xuất nhựa, bao bì và chế biến cao su của nhà máy.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty New Star Paper chia sẻ: “Chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và vay vốn với mức lãi suất 9%/năm. Tuy nhiên, với thực trạng kinh tế khó khăn, đơn hàng chậm, khó cạnh tranh…, nên doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay, giảm thuế để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Tín dụng thông thường thì như vậy, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% cũng không khả quan hơn, bởi đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “ngại” tiếp cận, do phải làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo các thông tin, thủ tục đúng quy định để không xảy ra trường hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và bồi hoàn lại ngân sách.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến ngày 31/3, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 59 doanh nghiệp tiếp cận gói ưu đãi 2% lãi suất, với lượng vay tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng.

Có thể thấy, tâm lý thận trọng của ngân hàng và doanh nghiệp đang là những rào cản khiến gói hỗ trợ này không được kỳ vọng như ban đầu.

Ngành ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ngày 24/4/2023, NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao…

Ngoài ra, NHNN yêu cầu kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, có tính chất đầu cơ... để cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý.

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và khách hàng thuộc đối tượng vay vốn. Được biết, Chương trình đã triển khai từ 1/4/2023.

Theo ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, với Thông tư 02 và Thông tư 03 về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, NHNN cũng đã điều hành lãi suất theo hướng giảm, nhờ đó, lãi suất cho vay huy động trên địa bàn TP.HCM đã giảm từ 0,6-1%/năm.

Tuy nhiên, các gói chính đã được ban hành, nhưng cần có thời gian để thẩm thấu, do đó mỗi doanh nghiệp cần cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu để ngân hàng cơ cấu lại nợ phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị NHNN tiếp tục kéo dài chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các khoản vay mới, cần nghiên cứu các điều kiện phù hợp, định giá tài sản thế chấp, giải ngân trên tài sản. Đặc biệt, một số trường hợp có tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng thì ngân hàng thương mại có thể mở rộng áp dụng tín chấp.

Triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% cũng không khả quan hơn, bởi đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “ngại” tiếp cận, do phải làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo các thông tin, thủ tục đúng quy định để không xảy ra trường hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và bồi hoàn lại ngân sách.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục