Lãi suất điều hành khó giữ nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát cơ bản vẫn đang ở mức thấp, nhưng áp lực tăng lớn dần, nên lãi suất điều hành có thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng kể từ quý III/2022.

Vĩ mô tươi sáng

Trên phương diện kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã có một khởi đầu tươi sáng trong những tháng đầu năm 2022, nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực thương mại, trong khi tình trạng thiếu hụt nguồn lao động tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu trong tháng 1 và 2 đã tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào tăng trưởng trên diện rộng của các lĩnh vực chính.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ dòng vốn FDI bền vững, bổ sung năng lực mới cho lĩnh vực sản xuất trong tương lai. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam. Phần lớn vốn FDI vẫn chảy vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghệ. Ví dụ, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, Samsung, gần đây đã đầu tư 920 triệu USD để mở rộng sản xuất linh kiện di động tại Thái Nguyên.

Trong khi đó, Việt Nam đẩy nhanh kế hoạch mở cửa lại biên giới. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài như trước khi có đại dịch Covid-19. Đây cũng là điều kiện cần thiết để hồi phục ngành du lịch, dịch vụ, đóng góp vào đà hồi phục kinh tế, nhất là trong nửa cuối năm 2022.

Khó khăn hiện hữu

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt đến từ những yếu tố bên ngoài. Căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia, xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng hơn vấn đề khan hiếm nguồn cung, đồng thời làm thổi bùng lên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đà hồi phục kinh tế và làm giảm vị thế thương mại của Việt Nam.

Trên thực tế, giá trị nhập khẩu xăng dầu chỉ trong tháng 2/2022 đã gần như gấp đôi so với mức trung bình hàng tháng trong năm 2021 và dự kiến duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Chi phí năng lượng cao hơn, cũng như số ca nhiễm Omicron gia tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước, vốn đang hồi phục chậm hơn so với xuất khẩu.

Trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp, trung bình 1,7% so với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2020, lạm phát năng lượng đang cho thấy đà tăng, tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Cụ thể, giá xăng trong nước tính đến cuối tháng 3/2022 đã tăng lần thứ bảy liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021, lên mức cao kỷ lục. Theo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu toàn cầu HSBC, sự gia tăng của giá dầu toàn cầu có thể sẽ kéo dài, gây áp lực lên lạm phát. Do đó, Nhóm nghiên cứu đã nâng dự báo lạm phát năm 2022 từ 3% lên 3,7% và năm 2023 từ 3,1% lên 3,5%.

Lãi suất điều hành khó giữ nguyên

Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách tiền tệ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các mức lãi suất chính sách được duy trì ổn định ở mức 4% cho lãi suất tái cấp vốn và mức 2,5% cho suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) kể từ tháng 10/2020 nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Vì thế, mặt bằng lãi suất tiền đồng đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lãi suất tái cấp vốn 4% được duy trì từ tháng 10/2020 đến nay nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi, hiện đang chịu áp lực tăng vì lạm phát.

Tuy nhiên, với rủi ro lạm phát gia tăng, mặc dù được thúc đẩy bởi áp lực nguồn cung, sẽ ngày càng đòi hỏi nhu cầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ngoài ra, những khác biệt về chính sách giữa Việt Nam và các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu - vốn đang bước vào chu kỳ tăng lãi suất, sẽ càng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc hạ thêm lãi suất.

Dựa trên đánh giá quỹ đạo lạm phát của Nhóm nghiên cứu, áp lực giá có thể sẽ gay gắt hơn từ quý III năm nay, thậm chí tạm thời vượt quá mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Nhóm Nghiên cứu đưa ra kỳ vọng về đợt tăng lãi suất điều hành 0,5% đầu tiên trong quý III/2022, sớm hơn so với dự báo trước đó là quý IV/2022.

Sang năm 2023, cơ quan quản lý có khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất, mỗi đợt 0,25%, đưa lãi suất chính sách lên 5,25% vào cuối năm.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục