Lãi suất đã tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ có thực sự thắt chặt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm nay, hiếm có một khoảnh khắc nào mà các quan điểm về kinh tế có sự đồng thuận.
Lãi suất đã tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ có thực sự thắt chặt?

Các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ và nhanh chóng để đối phó với lạm phát tăng mất kiểm soát.

Nhưng khi năm 2022 sắp kết thúc, sự bất đồng mới nhất về chính sách tiền tệ đang lớn đến mức mà các nhà kinh tế đang nhận định với nhiều quan điểm khác nhau. Trong khi một số nhà kinh tế cảnh báo rằng lãi suất hiện đã tăng hơn mức cần thiết để kiềm chế đà tăng của giá, những người khác lại cho rằng chính sách tiền tệ vẫn chưa thực sự thắt chặt.

Mọi nhà kinh tế học đều biết “quy tắc Taylor” được lấy theo tên Giáo sư John Taylor của Đại học Stanford. Quy tắc này ý nói rằng các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất nhiều hơn mức tăng của lạm phát. Để tuân theo quy tắc, các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất thực mỗi khi giá tăng nhanh. Nếu làm vậy, sớm hay muộn nền kinh tế sẽ chậm lại và trật tự sẽ được lập lại. Quy tắc Taylor là cần thiết để ổn định lạm phát trong các mô hình kinh tế hiện đại. Đó cũng là lẽ thường.

Tuy nhiên, ngày nay không có ngân hàng trung ương lớn nào tuân theo quy tắc này. Kể từ đầu năm ngoái, lạm phát đã tăng 5% ở Mỹ, 8% ở Anh và 10% ở khu vực đồng euro (theo số tuyệt đối). Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất là nhanh chóng theo tiêu chuẩn lịch sử, nhưng họ không thể bắt kịp tốc độ tăng giá này. Điều đó đã khiến một số nhà kinh tế gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nhà kinh tế Jonathan Parker thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đã tuyên bố: “Fed vẫn chưa đạt được thành công” sau khi tăng 75 điểm lần thứ tư liên tiếp vào ngày 2/11.

Vấn đề là mặc dù quy tắc Taylor có ý nghĩa về mặt lý thuyết, nhưng vẫn có sự bất đồng về cách áp dụng quy tắc vào thực tế. Một thước đo thực sự của lãi suất thực là hướng tới tương lai. Những người đi vay và cho vay mới cần biết mức lạm phát sẽ như thế nào trong tương lai, chứ không phải mức lạm phát trong quá khứ.

Theo một cuộc khảo sát của Fed New York, người tiêu dùng hiện đang kỳ vọng lạm phát ở mức 5,4% trong năm tới. Nhà kinh tế Jonathan Parker đã trừ khoản này khỏi phạm vi lãi suất mục tiêu của Fed là 3,75% - 4% để có lãi suất thực âm khoảng -1,5%. Đó là mức thấp hơn lãi suất phổ biến trước đại dịch Covid-19 và điều này "rất, rất không phù hợp", ông cho biết.

Nhưng tại sao chỉ đánh giá lãi suất trong một năm tới, trong khi nhiều khoản vay có kỳ hạn dài hơn. Nhà kinh tế Greg Mankiw của Đại học Harvard lo ngại rằng, Fed có thể đang làm quá mọi thứ vì lãi suất thực trong 5 năm được định giá trên thị trường tài chính đã tăng mạnh kể từ đầu năm ngoái, hiện đang ở mức 3,4%.

Phiên bản mở rộng hơn của quy tắc Taylor nói rằng lãi suất thực sẽ tăng bằng một nửa mức tăng của lạm phát. Dự báo trong 5 năm tới trên thị trường tài chính và đo lường lạm phát cơ bản thì lãi suất thực gần như bắt kịp với lạm phát. Nói cách khác, sự thắt chặt của Fed trông giống như quá nhiều chứ không phải là quá ít.

Theo nhà kinh tế Michael Woodford của Đại học Columbia, lập luận dựa trên cái mà các nhà kinh tế học gọi là "kỳ vọng hợp lý". Quan điểm của công chúng về những gì mà một ngân hàng trung ương có thể làm vào ngày mai trên lý thuyết cũng quan trọng như lãi suất ngắn hạn của ngày hôm nay. Sẽ không có vấn đề gì lớn nếu các nhà hoạch định chính sách không tăng lãi suất cao hơn lạm phát tại một thời điểm nhất định trong các mô hình kinh tế hiện đại.

Trong khi đó, chỉ kỳ vọng về một sự xem nhẹ có hệ thống đối với quy tắc Taylor “vô thời hạn trong tương lai” mới gây ra tình trạng hỗn loạn tiền tệ và các nhà hoạch định chính sách của Fed hầu như không thể hiện sự xem nhẹ này. Ngân hàng trung ương chưa hoàn tất việc tăng lãi suất và thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trên 5% trong năm tới. Điều đó có thể đủ để thỏa mãn quy tắc Taylor.

Ngay cả khi quy tắc Taylor được đáp ứng trên cơ sở hướng tới tương lai, đó vẫn chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Quy tắc chỉ quy định mức thắt chặt tối thiểu cần thiết để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát. Nếu các ngân hàng trung ương chỉ thu hẹp mức chênh lệch để xóa rào cản thì lạm phát có thể mất một thời gian dài để trở lại mục tiêu.

Tuy nhiên, có lẽ lập luận tốt nhất cho việc tăng lãi suất nhiều hơn là sự yếu kém của các mô hình kinh tế và thị trường tài chính trong việc dự đoán lạm phát. Trong năm qua, các mô hình kinh tế và thị trường đều đã liên tục đánh giá thấp sự gia tăng của lạm phát. Trong một môi trường không chắc chắn, điều thông thường là sẽ đặt trọng lượng nhiều hơn vào dữ liệu và ít dự báo hơn, đó cũng là một điểm mà các ngân hàng trung ương đã bắt đầu nhấn mạnh. Việc tuân theo quy tắc Taylor đối với lạm phát thực có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phản ứng chậm lại với sự thay đổi của các thách thức kinh tế. Nhưng đó là một cái giá đáng phải trả để đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục