Lãi suất đã có bước điều chỉnh phù hợp

(ĐTCK) Sáng ngày 23/9, NHNN tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022. Đây cũng là ngày đầu tiên lãi suất điều hành và mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam được điều chỉnh tăng có hiệu lực.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng. Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine…).

Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.

“Động thái của Fed đã kích hoạt một loạt các NHTW trên thế giới đồng loạt điều chỉnh lãi suất. Tính đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu trong khi năm 2021 có 113 lượt tăng”, ông Quang nói.

Ngày 22/9, Fed đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%). Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023. Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).

Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, ông Quang cho biết, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-13,5%); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Tuy nhiên, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới ( khoảng gần 4%).

Trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, ông Quang thông tin, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trước nhu cầu phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu đời sống trở lại bình thường, tín dụng các ngành, lĩnh vực đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và hầu hết tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng cao hơn nhiều cùng kỳ 2 năm dịch Covid-19, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP: Tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,31%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,72%.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ở một số ngành: công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động dịch vụ khác.

Thứ hai, liên quan đến tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 8,41%, chiếm tỷ trọng 24,79% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,67%, chiếm 20,17%, tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành thương mại, dịch vụ - chiếm 60%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 6,54%, tiếp tục tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo - chiếm khoảng 54,9%; công nghiệp hỗ trợ tăng 13,15% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 10,74%.

Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro, bà Giang cho biết, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 14,69%, trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 67,54% dư nợ tín dụng bất động sản). Tín dụng chứng khoán giảm 28,71%; tín dụng BOT, BT giao thông giảm 1,72% và cho vay phục vụ đời sống tăng 14,99%.

NHNN cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

“NHNN kêu gọi các ngân hàng cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người vay vốn. Việc này đã thực hiện tốt trong 2 năm qua với mức tiết giảm là 25.000 tỷ đồng”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN nói.

Chia sẻ về bối cảnh chung, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, lãi suất đã có bước điều chỉnh phù hợp với diễn biến lạm phát trong và ngoài nước. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục đặt ra 14% trong năm 2022. Sẽ xem xét điều chỉnh khi cần thiết, tuy nhiên, NHNN sẽ tập trung kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá được điều hành ổn định, duy trì trạng thái ngoại tệ, cung cầu hợp lý.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khoá, để đảm bảo mục tiêu của Chính phủ cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục