Lãi suất cho vay sẽ còn 11 - 13%/năm

(ĐTCK) Trần lãi suất huy động đã lùi về 8%/năm, làm cơ sở để lãi suất cho vay hạ xuống 11-13%/năm trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay sẽ còn 11 - 13%/năm

Lãi suất cho vay sẽ còn 11 - 13%/năm ảnh 1Năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15-16%

 

Cuối quý II, lãi suất đầu ra sẽ hạ

Sau khi trần lãi suất huy động được giảm xuống 8%/năm, nhiều người vẫn kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm xuống, làm cơ sở cho việc hạ lãi suất đầu ra, kích thích nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho rằng, lãi suất huy động khó có thể kỳ vọng giảm sâu hơn so với hiện tại. Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, gồm DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ và sản phẩm có chưa hàm lượng công nghệ cao). Hiện, lãi suất cho vay dành cho 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên này là 12%/năm và khả năng các ngân hàng sẽ phải giảm thêm trong thời gian tới.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng đưa ra quan điểm, mức trần lãi suất huy động hiện nay là phù hợp với thực tiễn và với mức lãi suất đầu vào như vậy, lãi suất cho vay phải giảm về 11 - 13%/năm là hợp lý.

“Khả năng lãi suất cho vay giảm sâu hơn là rất khó. Bởi với trần lãi suất huy động 8%/năm, chỉ cho vay ra với lãi suất 11 -13%/năm, ngân hàng mới có thể cân đối được chi phí”, ông Tuấn chia sẻ.

Vấn đề quan trọng nhất, cần giải quyết lúc này đối với ngành ngân hàng, theo ông Tuấn, đó là bài toán nợ xấu. Nợ xấu gia tăng, đòi hỏi ngân hàng phải thận trọng hơn trong cho vay, khiến dòng chảy tín dụng chững lại.

Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Mở TP. HCM cho rằng, trần lãi suất đầu vào sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay nên lãi suất cho vay khó có khả năng giảm sâu. Theo TS. Thuận, khả năng đến hết quý I/2013, các ngân hàng mới xem xét để điều chỉnh thêm, vì lãi suất cho vay thực tế dù có giảm xuống sâu, nhà băng cũng không hẳn đã cho vay được.

“Có thể lãi suất huy động sẽ còn giảm thêm 1%/năm, nhưng điều đó chưa thể xảy ra ngay trong quý I hay quý II năm nay. Bởi thực tế, khi trần lãi suất huy động giảm về 8%/năm, tình trạng huy động vượt trần lãi suất trên thị trường vẫn tồn tại”, TS. Thuận cho biết.

 

Tín dụng sẽ tốt hơn?

Mục tiêu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 của Chính phủ là thận trọng và linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, NHNN có thể xem xét hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng phải được các nhà băng điều chỉnh dần khi trần lãi suất huy động giảm về mức 8%/năm vào cuối năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng kỳ vọng giảm xuống 11 - 13%/năm và NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%.

“Tín dụng 2013 sẽ có điều kiện tăng trưởng tốt hơn trên cơ sở chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt”, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Năm nay, các ngân hàng được tháo “room” tín dụng với các lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng, chứng khoán, thay vì khống chế ở tỷ lệ 16% tổng dư nợ như trong năm 2012. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với bất động sản sẽ được giảm về dưới mức 15%/năm để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Vì thế, năm nay, NHNN TP. HCM đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 9%, cao hơn mức thực hiện 7,5% trong năm 2012. Trong những tháng cận Tết Nguyên đán tới đây, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã dành ngân khoản 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhu cầu DN và đến nay đã giải ngân gần hết.

Không quá lạc quan vào triển vọng lãi suất cho vay giảm sâu và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm nay, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, lãi suất phụ thuộc vào tình hình lạm phát và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Ngân hàng sẽ cân đối chi phí đầu vào của đồng vốn để giảm lãi suất cho vay xuống mức phù hợp, hỗ trợ khách hàng, nhất là khách hàng DN. Dư nợ tín dụng của Vietcombank năm 2012 ước đạt tốc độ tăng trưởng 14 -15% và ông Bình dự kiến chỉ tăng khoảng 15 - 16% trong năm tới.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục