Lãi suất thấp nhất chỉ còn 5%/năm
Thông tin từ Ngân hàng Shinhan cho biết, Ngân hàng đang cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm, cố định trong năm đầu tiên; hoặc 5,5%/năm, cố định trong 2 năm; 6%/năm, cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (6 tháng đầu vẫn được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm). Tỷ lệ cho vay lên tới 70% giá trị tài sản trong thời hạn 30 năm. Đối với cho vay mua ô tô, ngân hàng này áp dụng mức lãi vay 6,3%/năm trong năm đầu; 5,9%/năm trong 6 tháng và 7,9%/năm trong 30 tháng sau, với tỷ lệ tài trợ vốn lên tới 80% giá trị xe.
Riêng với lãi suất cho vay tiêu dùng, do tính chất rủi ro cao và tín chấp (không tài sản đảm bảo) nên Shinhan Việt Nam vẫn áp dụng lãi vay từ 11%/năm trở lên (tính trên dư nợ giảm dần), hạn mức cho vay lên đến 900 triệu đồng, thời hạn 60 tháng.
Trong khi đó, BVBank đang áp dụng lãi suất cho vay mua, sửa chữa nhà ở từ 5 - 8%/năm, cố định trong 18 - 24 tháng. Mức cho vay tối đa 75% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức lên đến 15 tỷ đồng trong thời hạn 300 tháng.
Tương tự, Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng đầu tiên hoặc 6,8%/năm trong thời gian 12 tháng đầu...
Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Big 4), Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay mua bất động sản ưu đãi thấp nhất là 6%/năm; tiếp đến là VietinBank, với 6,4%/năm.
Các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 5 - 10,5%/năm. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng từ 8 - 13%/năm, song mức này đã giảm so với năm 2023.
Ông Thanh Nguyễn, 43 tuổi, ở TP.HCM vừa quyết định vay vốn ngân hàng để mua nhà. Ông Nguyễn cho hay, qua tìm hiểu tình hình thị trường, ông nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để mua nhà, khi mà bên cạnh việc lãi suất hạ về khoảng 5 - 6%/năm trong năm đầu giải ngân, khách hàng còn được lựa chọn phân kỳ trả nợ phù hợp với tình hình tài chính hiện nay.
Chẳng hạn, khách hàng có nhu cầu mua căn hộ vùng ven, trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng, có nhu cầu vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng trong thời hạn 10 năm (120 tháng), sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm trong 6 tháng đến 1 năm đầu thì tiền lãi phải trả hàng tháng khoảng hơn 4 triệu đồng (giảm dần theo dư nợ). Nếu khách hàng mong muốn trả góp vốn gốc, lãi linh hoạt và chọn trả gốc đều hàng tháng theo thời hạn vay thì trong tháng đầu tiên, số tiền gốc và lãi phải trả vào khoảng 12,5 triệu đồng; các tháng tiếp theo, tiền lãi và gốc sẽ giảm dần áp lực.
Có thể nói, lãi suất cho vay đang giảm thêm do tình hình cho vay còn chậm, các ngân hàng phải hạ lãi suất để kích cầu tín dụng. Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 2 vẫn trong tình trạng âm so với cuối năm 2023, cho dù mức âm có thấp hơn so với cuối tháng 1. Nhà điều hành không công bố con số cụ thể, nhưng theo số liệu ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm âm khoảng 1%. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, tín dụng âm trong tháng 2. Hàng loạt ngân hàng ghi nhận tín dụng đi lùi trong tháng 1 như Vietcombank giảm 2,3% so với cuối năm 2023, BIDV giảm 1,3%, MBBank giảm 0,7%...
Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cũng cho hay, lãi suất đã và đang giảm dần (cả với lãi suất huy động và cho vay) nên lãi suất không phải là rào cản lớn đối với người cần vốn. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản tiêu dùng của Vietcombank vẫn giảm trong 2 tháng đầu năm nên nhà băng này sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho khách hàng.
Ngân hàng kích cầu tín dụng nhà ở, tiêu dùng
Các ngân hàng có thể sẽ hạ tiếp lãi suất, ít nhất trong quý I, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 31/1/2024, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất và công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay bình quân.
Theo ông Tú, chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là vấn đề lớn với người đi vay, việc một số khách hàng không vay được có chăng là do chưa đáp ứng được điều kiện tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, cơ quan này tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Riêng đối với tín dụng tiêu dùng, mặc dù còn khó khăn, nhưng theo ông Tú, cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bởi chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì mới có thể kích cầu được sức mua, từ đó đẩy mạnh được tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng có thể sẽ hạ tiếp lãi suất, ít nhất trong quý I cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.
Mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng bắt đầu dương trở lại. Đáng chú ý, mảng tín dụng bán lẻ (khách hàng cá nhân, SME) được các nhà băng quan tâm đẩy mạnh. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho rằng, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đi ngang và nếu giữ được xu hướng đi ngang trong năm nay cũng là rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế).Động lực tăng trưởng lớn nhất của MB trong năm nay là bán lẻ, khi Ngân hàng đang có điều kiện thuận lợi là số lượng khách hàng tăng nhanh. Hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đạt con số 30 triệu. Các khách hàng đang sử dụng sản phẩm cơ bản nhất của MB là tiền vay thì có 453.000 khách hàng và đang tăng trưởng tốt.
Số dư nợ bán lẻ (khách hàng SME, cá nhân…) chiếm cơ cấu 51% trong tổng dư nợ của MB và tốc độ tăng trưởng khách hàng, tín dụng ở mảng này đang rất tốt. Mảng này cũng đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận MB năm qua.
Theo đánh giá của Chủ tịch MB, mặc dù tín dụng trên cả nước tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng tại các khu vực kinh tế lớn như TP.HCM vẫn tăng 0,6% đến cuối tháng 2 (sau khi giảm 0,9% ở tháng 1) và Hà Nội đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 2/2024 (tăng 0,93% so tháng trước đó)…
“Nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực trở lại sẽ tác động lên hoạt động tín dụng ngành ngân hàng nói chung, MB nói riêng và là cơ sở cho chỉ tiêu lợi nhuận”, ông Thái nói và cho biết thêm, tỷ lệ CASA của MB khá tốt sau khi đạt được mức tăng trưởng 40,1% - mức cao nhất trong hệ thống năm qua. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp Ngân hàng tăng CASA, tối ưu hóa chi phí để giảm lãi vay cho khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng…
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn, nên khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà. Trường hợp như anh Thanh Nguyễn tại TP.HCM là một ví dụ.