Dù là tháng cận Tết Nguyên đán, song theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2016 không thay đổi so với tháng trước và lạm phát tính theo năm dù có tăng so với thời điểm cuối năm 2015, nhưng cũng chỉ nhích lên ở mức 0,8%.
Lạm phát tiếp tục ở mức thấp lại làm dấy lên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Thế nhưng, muốn lãi suất cho vay giảm thì lãi suất huy động cũng sẽ phải giảm tương ứng, trong khi mặt bằng lãi suất huy động thời gian gần đây lại đang có xu hướng tăng nhẹ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời gian gần đây là do nhiều nguyên nhân như: nhu cầu tín dụng đang tăng nhanh hơn huy động, ngoài ra còn do quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cũng thừa nhận có thực trạng một số NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, nhưng chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dài để phục vụ nhu cầu cho vay trung dài hạn.
Cũng có yếu tố mùa vụ trong nhu cầu thanh toán, chi trả thường tăng cao vào cuối năm. Đáng chú ý hơn, xu hướng này phản ánh nền kinh tế có dấu hiệu sôi động lên, các nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn tăng lên cho nên tác động đến lãi suất.
“Bên cạnh đó, với việc các ngân hàng kích thích huy động vốn trung dài hạn qua lãi suất, điều kiện để hỗ trợ vốn cho các nhu cầu trên càng bền vững hơn. Còn nếu cho vay trung dài hạn vẫn dựa nhiều vào vốn ngắn hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro và có thể vi phạm pháp luật”, ông Hưởng nói.
Đứng trên giác độ cơ quan quản lý, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua, trên thị trường, một số ngân hàng thực hiện điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn. Xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng này chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp cuối năm.
Sau điều chỉnh, theo ông Dũng, lãi suất của các ngân hàng này vẫn nằm trong vùng trung bình so với mặt bằng chung. Đồng thời, xét tổng thể, lãi suất huy động của thị trường 1 có sự đan xen giữa tăng/giảm, bên cạnh các ngân hàng tăng lãi suất thì cũng có nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống về cơ bản vẫn diễn biến ổn định (hiện phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng)… Do đó, chưa tạo áp lực đến lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu TCTD chấp hành đúng quy định về mức lãi suất huy động được quy định tại Thông tư 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014, Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014, Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014, Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
“Trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của toàn hệ thống tiếp tục ổn định, hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay đối với phân khúc khách hàng có xếp hạng tín nhiệm cao, khả năng tài chính tốt… khoảng 5-6%/năm. Bước sang năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp linh hoạt, đồng bộ để điều tiết thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động và cho vay của các TCTD, hệ thống TCTD phấn đấu tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng có chung quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định, nhiều khả năng lãi suất sẽ vẫn giữ được mặt bằng như hiện nay, vì chính sách tỷ giá kích thích người dân gửi VND nhiều hơn vào ngân hàng. Trong khi giá dầu sụt giảm liên tục cũng là cơ sở để hy vọng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức thấp, không tác động lớn đến việc tăng lãi suất.
Thậm chí, không ít chuyên gia cho rằng, nếu xử lý tốt nợ xấu sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay. Trên thực tế, việc bán lại nợ xấu cho VAMC chưa giúp nhiều các ngân hàng nhẹ gánh, khi vẫn phải có "trách nhiệm" với những khoản nợ xấu đã bán và phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt.
Chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro vẫn lớn là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay khó giảm. TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thông tin, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có chính sách ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm nợ xấu. Đây là một trọng tâm của chính sách tiền tệ trong năm 2016.