Lãi suất cho vay: Hiệu ứng vết dầu loang

(ĐTCK-online) Sau đợt cắt giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng quốc doanh và cổ phần trước quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên gấp 3 lần (từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm), hiện một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tiếp tục điều chỉnh lãi suất này theo chiều hướng giảm.
Lãi suất cho vay: Hiệu ứng vết dầu loang

Đơn cử, ABBANK vừa có thông báo, kể từ ngày 5/9 đã cắt giảm lãi suất cho vay vốn đối với VND nhằm tăng cường hỗ trợ xuất khẩu. Theo đó, lãi suất cho vay VND của ABBANK giảm từ 0,75 - 2%/năm so với thời gian trước. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngoại tệ giảm mạnh, thấp hơn 2 - 3 %/năm so với mức cũ.

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được ABBANK tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng với mức lãi suất 20,25%/năm đối với VND và 9%/năm đối với USD. Riêng với hình thức tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng dựa trên chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu của ABBANK, doanh nghiệp sẽ được vay vốn VND với lãi suất 19% - 19,5%/năm. Lãi suất vay vốn USD cũng giảm xuống còn 8% - 8,5%/năm.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBANK cho biết, Ngân hàng luôn đảm bảo nguồn vốn bằng cả VND và USD để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi như trên. Tuy nhiên, nếu so với một số ngân hàng khác, lãi suất cho vay vốn bằng USD của ABBANK vẫn cao hơn khoảng 1 - 1,5%/năm.

Hiện lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ bằng USD của Eximbank chỉ còn 6,6%/năm. Doanh nghiệp nhập khẩu vay USD có kỳ hạn 6 tháng trở xuống, lãi suất cũng giảm còn 6,6%/năm. Một số ngân hàng khác như ACB, Sacombank cũng ưu tiên nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. ACB đã dành một ngân khoản 20 triệu USD cho doanh nghiệp xuất khẩu, theo phương thức vay vốn bằng tiền đồng, nhưng lãi suất được tính bằng mức lãi cho vay ngoại tệ.

Còn Sacombank đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 19,8%/năm cho khách hàng có mối quan hệ lâu năm và chủ yếu dành cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường và động thái từ các ngân hàng khác để tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay xuống mức phù hợp.

Theo số liệu báo cáo của NHNN về 38 ngân hàng, lãi suất cho vay bình quân bằng VND của các kỳ hạn tính đến ngày 1/9 có phần giảm nhiệt. Cụ thể, lãi suất qua đêm là ở mức 15,43%/năm; 1 tuần là 17,83%/năm; 2 tuầ là 17,71%/năm: 1 tháng là 17,96%/năm; 3 tháng là 19,27%/năm; 6 tháng là 18,10%/năm. NHNN cho biết, sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành để tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, hiện nhiều ngân hàng vẫn chần chừ trước quyết định cắt giảm lãi suất đầu ra, do chi phí đầu vào vẫn ở mức khá cao khi lãi suất huy động vốn chưa thể giảm sâu. NHNN đã có quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản tháng 9 là 14%/năm. Mặc dù vậy, với động thái tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên gấp 3 lần, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, khả năng lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới khi lạm phát hạ nhiệt sẽ là cơ sở để các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Thực tế, với quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đã có tác động tích cực đến lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Chỉ tính riêng trong tuần qua, có gần 10 ngân hàng (cả quốc doanh và cổ phần) đã công bố giảm lãi suất cho vay VND khoảng 0,5% - 1%/năm so với mức lãi suất cho vay tối đa (21%/năm). Riêng lãi suất cho vay bằng USD, mức giảm từ 1 - 2%/năm.

Lãi suất cho vay phổ biến của các ngân hàng: (%/năm)

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Vinh Nguyễn
Vinh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục