Lãi suất cho vay cá nhân giảm chậm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi lãi suất cho vay đối với một số khu vực khách hàng doanh nghiệp giảm, thì với khách hàng cá nhân, lãi vay thực tế chưa giảm nhiều.
Tại Vietcombank, cho vay mua nhà áp dụng lãi suất giai đoạn đầu 7,5%/năm, sau đó dao động quanh mốc 10,5%/năm Tại Vietcombank, cho vay mua nhà áp dụng lãi suất giai đoạn đầu 7,5%/năm, sau đó dao động quanh mốc 10,5%/năm

Đã giảm nhưng chưa sâu

BVBank vừa triển khai gói vay 3.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất từ 5,5%/năm, dành cho các cá nhân. Trước đó, ngân hàng này triển khai gói vốn vay ưu đãi 7.000 tỷ đồng. Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank cho hay, với các gói vốn ưu đãi này, Ngân hàng dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm.

Đối với khách hàng cá nhân vay phục vụ nhu cầu đời sống, KienlongBank cũng dành gói lãi suất ưu đãi từ 7,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 7,9%/năm với các khoản vay trung, dài hạn.

Nắm bắt nhu cầu tín dụng tăng cao vào dịp cuối năm, Shinhan Việt Nam triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dành cho cá nhân từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài đến hết quý I/2024. Trong đó, với cho vay mua nhà, Ngân hàng có gói lãi suất cố định 5,99% năm cho 6 tháng đầu tiên và 8%/năm cố định cho gần 5 năm còn lại, được nhiều khách hàng ưa thích lựa chọn. Ngoài ra, Shinhan Bank cũng có một số gói vay lãi suất cố định trong 24 - 36 tháng, với hơn 7%/năm…

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, với cho vay tín chấp tiêu dùng, Ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất là 13 - 14%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân là người lao động đang làm việc tại các công ty có uy tín và xếp hạng tín dụng cao. Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng có thể được giảm trong trường hợp số tiền vay lớn…

Dẫu vậy, ông Vũ cho biết, “trong giai đoạn cuối năm nay, với ngân hàng chúng tôi, tuy tốc độ tín dụng có cải thiện so với các tháng trước, nhưng nhìn chung tình hình vẫn chậm và thấp hơn so với kỳ vọng”. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, dẫn đến một số không đáp ứng được điều kiện vay; số khác không có nhu cầu vay, hoặc có tâm lý trì hoãn vì e ngại rủi ro, hoặc kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thêm.

Nam A Bank đang triển khai chương trình ưu đãi cho vay “Hạn mức sẵn sàng - Bứt phá kinh doanh”, đồng hành trong mùa kinh doanh cuối năm, với lãi suất cho vay từ 8,2%/năm. Đồng thời, nhà băng này cũng giảm lãi suất tối đa 2,8%/năm cho khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu.

Các ngân hàng khác cũng có những gói ưu đãi cho vay mua nhà, sửa nhà, nhưng thường thì lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn, ACB áp dụng lãi suất cho vay mua nhà 8,5%/năm trong giai đoạn đầu, sau giai đoạn ưu đãi là 12,5%/năm. Vietcombank có lãi suất ưu đãi 7,5%/năm, sau quanh mốc 10,5%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà bình quân tại OCB nếu có “khuyến mãi” là 7 - 8%/năm, còn không thì vào khoảng 10%/năm. Techcombank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà năm đầu là 9%/năm, hoặc cố định 6 tháng đầu là 8,5%/năm...

Vay tín chấp lãi cao

Điều đáng nói là trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng, để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn, nhất là với khoản vốn tiêu dùng tín chấp, nhân viên tín dụng nhiều nhà băng đã quảng bá mức lãi suất ưu đãi khá thấp, nhưng khi tiếp cận thực tế thì lãi vay thực lên gấp đôi. Nhân viên tín dụng tại một ngân hàng trong nước cho biết, đối với khoản vay có tài sản đảm bảo, lãi suất dao động quanh 8 - 9,5%/năm, thời hạn vay tối đa 180 tháng. Còn trong trường hợp vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo), lãi suất khoảng 13 - 15%/năm, thời hạn vay tối đa 60 tháng.

Trong khi đó, tại một ngân hàng nước ngoài chuyên về bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam, nhân viên của trung tâm tín dụng tiêu dùng nhà băng này chào mức lãi suất chỉ 7%/năm đối với khoản vay tín chấp có giá trị lên đến 900 triệu đồng. Tuy nhiên, nhân viên tín dụng của nhà băng này lại không nói rõ lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu và phải duy trì khoản vay 60 tháng. Trong khi, lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại ngân hàng này đang áp dụng hơn 13%/năm (tính trên dư nợ giảm dần)...

Thực tế cho thấy, đối với khoản vay tiêu dùng tín chấp, không chỉ ngân hàng, mà ở một số công ty tài chính vẫn áp dụng mức lãi suất trên dư nợ ban đầu. Kể cả khi khách hàng đã trả dần khoản gốc thì lãi vay phải trả vẫn được đơn vị cho vay tính trên khoản vay ban đầu. Theo đó, lãi suất cho vay về sau sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn ban đầu.

Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính phổ biến ở mức 20 - 30%/năm, theo dư nợ giảm dần, tùy từng khoản vay, nhưng chủ yếu là cho vay tín chấp (người vay không cần tài sản đảm bảo). Như nhân viên Công ty Tài chính Shinhan Finance chào mức lãi suất cố định 0,86 - 1,89%/tháng, tính ra trên 20%/năm... Các công ty tài chính khác áp mức lãi vay tương tự. Áp lực lãi vay cao, cộng thêm khó khăn của kinh tế tác động lên thu nhập người dân, khiến cầu vốn tiêu dùng và mua nhà của cá nhân sụt giảm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10 - 15%.

Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối tháng 9/2023 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng (chiếm 64%) và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước... Đây cũng là năm đầu tiên tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng giảm.

TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, tại Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ.

Trong khi đó, Việt Nam hiện được đánh giá có mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Cụ thể, mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm. Cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Bà Thanh kiến nghị, Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Đồng thời, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ trả nợ.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục