Lãi suất chờ ngày… giảm

(ĐTCK) Một số ngân hàng lại bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho những kế hoạch điều chỉnh lãi suất. Khi được hỏi, nhiều vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, sự chuẩn bị này là đón đầu cho một đợt nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo. Có thể, đã có những tín hiệu thị trường phát đi từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, qua thực tế từ cuối năm 2008, những sự chuẩn bị này luôn đúng.
Nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ được cắt giảm thêm.

Đà nới lỏng tiếp diễn?

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhận định, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ được cắt giảm thêm trong tuần này hoặc tuần sau. Ông tỏ ra khá chắc chắn về dự đoán lãi suất cơ bản sẽ được giảm thêm 1 điểm phần trăm, xuống 7,5%/năm, kèm theo đó là mức dự trữ bắt buộc cũng được cắt giảm thêm 1%. Có nghĩa là trần lãi suất huy động và cho vay sẽ chỉ còn 11,25%/năm. Ngân hàng của ông vẫn đang cắt giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề cắt giảm lãi suất cho vay sau khi trần lãi suất hạ thêm.

Từ cuối tháng 10/2008, lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc đã liên tục giảm khi mà ưu tiên của chính sách tiền tệ lại quay về với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chỉ trong hơn hai tháng cuối năm 2008, lãi suất cơ bản được điều chỉnh giảm 5 lần với tần suất trung bình hai tuần một lần.

Mặc dù vẫn còn đâu đó những lo ngại nhất định về lạm phát của năm 2009, nhưng trên thị trường, các ngân hàng đều đang chờ đợi một đợt nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo trước Tết Nguyên đán. Từ phía các ngân hàng nước ngoài, chuyên gia của hai ngân hàng Standard Chartered và HSBC đều có chung nhận định, lãi suất cơ bản sẽ được giảm thêm 1 điểm phần trăm trong quý I/2009.

Việc giảm thêm lãi suất cơ bản, qua đó đưa mức lãi suất thị trường đi xuống về lý thuyết sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, chính sách này có thể gây ra "phản ứng phụ" là người gửi tiền sẽ ưu tiên nắm giữ ngoại tệ khi mà chênh lệch lãi suất tiền gửi bằng VND và USD bị thu hẹp, qua đó tạo sức ép lên tỷ giá. Trong tháng 12/2008, số dư tiền gửi VND ước tăng 2,64% so với tháng trước đó, nhưng số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng tới 5,86%.

Các ngân hàng thấp thỏm

Bình luận về việc lãi suất cơ bản và mức dự trữ bắt buộc có thể được giảm thêm 1%, lãnh đạo một NHTM nhà nước cho biết, cũng giống như những lần cắt giảm trước, động thái này một mặt sẽ bơm thêm tiền cho hệ thống ngân hàng (khoảng 20.000 tỷ đồng), nhưng mặt khác lại làm hẹp bớt dải lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Trên thực tế, việc giải ngân của các ngân hàng vẫn chậm hơn nhiều so với tốc độ huy động. Trong tháng 12/2008, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 3,41%, trong khi dư nợ tín dụng ước tăng 1,09%. Từ đầu tháng 1/2009, phản ánh của các NHTM cho thấy, tốc độ giải ngân chưa được cải thiện.

Tính tới thời điểm cuối năm 2008, ngân hàng của vị lãnh đạo nói trên đã có tỷ lệ nợ xấu ở mức xấp xỉ 5%, cao hơn khá nhiều so với cuối năm 2007. Ngân hàng cũng không dám mạnh tay cho vay vì lo ngại nợ xấu tăng thêm. Mặt khác, khi lãi suất cho vay bị chặn trần, ngân hàng không muốn cho vay, bởi dù có cho vay ở mức trần cũng chưa đủ bù đắp rủi ro có thể phát sinh từ phía doanh nghiệp. Đó là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục lo ngại.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, những thông tin về việc xem xét lại cơ chế lãi suất thoả thuận và gói kích cầu kinh tế của Chính phủ khiến các ngân hàng hy vọng.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu triển khai một cơ chế quản lý lãi suất vừa tự do hoá, vừa theo trần lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản kiến nghị trình lên các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, gói kích cầu trị giá 17.000 tỷ đồng của Chính phủ dự kiến sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống ngân hàng, qua đó làm giảm mức lãi suất cho vay của ngân hàng trong thời gian tới.

Tất nhiên, các kế hoạch này vẫn đang trong thời gian nghiên cứu và chưa biết khi nào mới được triển khai. Các ngân hàng vẫn có lý do để lo ngại trong trường hợp NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục