Lãi suất chắc chắn giảm thêm

Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét giảm thêm 1% lãi suất đầu vào. Những ngày gần đây, có thông tin cho rằng, NHNN đang xem xét cắt giảm thêm lãi suất đầu vào. Trước đó, cuối tháng 7/2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, cuối năm 2012, trần lãi suất huy động có thể giảm xuống 8%.
Hiện đang là mùa cao điểm huy động vốn cuối năm của các ngân hàng Hiện đang là mùa cao điểm huy động vốn cuối năm của các ngân hàng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lãi suất chắc chắn sẽ phải giảm thêm. “Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn. NHNN sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định thời điểm giảm. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, phải mở rộng thị trường tiêu thụ và giảm chi phí, tức là phải  giảm lãi suất”.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM khẳng định, giảm lãi suất là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Theo TS. Ngân, lãi suất cao là một trong những lý do khiến đầu tư của khu vực tư nhân thấp. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề này, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm và tăng trưởng chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI.

“Năm 2013, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là chống suy giảm. Muốn vậy, phải giảm lãi suất để tăng cung tín dụng cho khu vực dân doanh. Vì nếu khu vực này không tiếp cận được vốn, nền kinh tế sẽ gặp nguy. Tôi cho rằng, lãi suất huy động thời gian tới ở mức 7 - 8%/năm và lãi suất cho vay 11 - 12%/năm là phù hợp. Hạ lãi suất cộng với tăng lương cùng các gói kích cầu (đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm tra các dự án quy hoạch treo…), sẽ giúp tổng cầu của nền kinh tế tăng lên”, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trước đó, đầu tháng 11, dù đang là mùa cao điểm hút vốn cuối năm, song một số ngân hàng (ACB, Eximbank) cũng đã hạ lãi suất huy động, mức cao nhất chỉ còn 12 - 12,5%/năm, thay vì 13%/năm trước đó. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn.

Trái ngược với nhận định trên, một số ý kiến cho rằng, lãi suất khó có khả năng giảm thêm, vì nếu giảm thêm, sẽ không huy động được tiền gửi trong dân.

Dù vậy, TS. Vũ Viết Ngoạn vẫn cho rằng, không nên lo lắng về điều này. “Ở nhiều nước trên thế giới, lãi suất huy động chỉ 2 - 3%/năm, nhưng vẫn huy động được tiền gửi trong dân. Quan trọng là, nhìn vào số liệu lịch sử ngành ngân hàng nước ta, trong nhiều năm qua, tiền gửi liên tục tăng (kể cả khi lãi suất huy động chỉ 5 - 7%/năm, lượng tiền huy động từ dân cư vẫn tăng). Ngay cả bây giờ, nếu không gửi tiền vào ngân hàng, thì chúng ta biết gửi tiền vào đâu, làm gì? Hơn nữa, là người dân, chúng ta cũng phải chấp nhận hài hòa mọi lợi ích trong xã hội của cả người gửi tiền lẫn người vay tiền”, ông Ngoạn nói.

 

Thừa tiền, ngân hàng đổ vào trái phiếu

Không đồng tình cũng không phản đối việc lãi suất giảm thêm, giám đốc chi nhánh Hà Nội một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Ngân hàng chúng tôi đang thừa tiền, nên có giảm thêm lãi suất, chúng tôi cũng không ngại. Nhưng NHNN phải thực hiện nghiêm không để ngân hàng nào lách lãi suất. Tuy nhiên, tôi cho rằng, lãi suất như hiện tại không còn là vấn đề lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không muốn vay vốn là do chưa có đầu ra”.

Do dư thừa vốn, khó đẩy mạnh cho vay, nhiều ngân hàng đang đổ tiền mua trái phiếu chính phủ. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, tính đến ngày 21/11/2012, đã có 132.274 tỷ đồng trái phiếu trúng thầu. Trong đó, 89% các thành viên tham gia là ngân hàng. Nhóm ngân hàng trong và ngoài nước đã mua tổng cộng 117.755 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, ngân hàng trong nước chiếm thị phần 78%, ngân hàng nước ngoài chiếm 11%. Lãi suất trúng thầu vài tháng gần đây dao động trong khoảng 9,35 - 10%/năm, cao hơn chút ít so với trần lãi suất huy động. Lượng mua trái phiếu của các ngân hàng tăng mạnh trong quý IV năm nay là điều bất thường so với mọi năm (ngân hàng thường giảm mua trái phiếu để phục vụ cho vay và giữ thanh khoản cuối năm).

Lý giải điều này, các ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh cho vay khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì mua trái phiếu chính phủ vẫn an toàn nhất, vừa đảm bảo có lãi, vừa là công cụ dự phòng thanh khoản. Theo lý giải của TS. Vũ Viết Ngoạn, sở dĩ các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ với lãi suất chỉ 9 - 10%/năm (dù trần huy động chỉ 9%/năm) là do giá vốn huy động của ngân hàng là giá bình quân, không chỉ căn cứ vốn huy động có kỳ hạn, mà còn từ vốn huy động không kỳ hạn với lãi suất thấp, vốn tự có… Hơn nữa, do thừa vốn, nên ngân hàng mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, còn hơn là để vốn chết.

Thùy Liên (baodautu.vn)
Thùy Liên (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục