Theo các nhà kinh tế, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda được dự báo sẽ tăng lãi suất ngắn hạn đang ở mức âm 0,1% vào tuần tới hoặc vào tháng 4, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên ở Nhật Bản kể từ năm 2007.
Động thái này sẽ đánh dấu một bước tiến tới chính sách chủ đạo sau nhiều thập kỷ thử nghiệm mà BOJ tích lũy được một lượng lớn trái phiếu và cổ phiếu, nâng bảng cân đối kế toán lên 127% sản lượng kinh tế hàng năm. Mặc dù tất cả những biện pháp nới lỏng định lượng và lãi suất âm đã giúp làm suy yếu đồng yên và ngăn chặn tình trạng giảm phát sâu hơn, nhưng phải đến khi cú sốc nguồn cung do Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine gây ra, lạm phát tại Nhật Bản mới tăng lên trên 2% và duy trì ở mức đó.
Đối với thế giới, động thái này sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất âm, một cách tiếp cận hoạch định chính sách triệt để cũng đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng châu Âu áp dụng trong cuộc chiến chống lại tình trạng giá cả sụt giảm trong những năm 2010. Và cũng giống như nhiều người đặt câu hỏi liệu việc này có đáng gây căng thẳng cho các ngân hàng và những người nắm giữ trái phiếu hay không, các nhà kinh tế cũng đang đưa ra những nhận định trái chiều trong trường hợp của Nhật Bản.
Kazuo Momma, cựu Giám đốc điều hành BOJ phụ trách chính sách tiền tệ cho biết: “Lãi suất âm chẳng làm gì để gây ra lạm phát…Lạm phát ở Nhật Bản bị thúc đẩy bởi áp lực giá cả đến từ nước ngoài”.
Giai đoạn lãi suất âm của một số ngân hàng trung ương châu Âu |
Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và khu vực đồng euro cũng áp dụng lãi suất âm vì nhiều động cơ khác nhau, từ việc ngăn chặn dòng vốn khổng lồ đổ vào đồng franc Thụy Sĩ, đến thúc đẩy tăng giá sau cuộc khủng hoảng nợ công trong trường hợp của ECB.
Sau hơn một thập kỷ giảm phát, BOJ rơi vào tình trạng lãi suất âm vào năm 2016, chỉ vài ngày sau đó Thống đốc Haruhiko Kuroda đã công khai phủ nhận việc xem xét động thái này.
Hiroshi Yoshikawa, cựu cố vấn trong ban kinh tế chủ chốt của Thủ tướng và giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Tokyo cho biết: “Nó rất có tác động… Mọi người bị sốc và nhận ra nền kinh tế Nhật Bản tệ đến mức nào”.
Vào thời điểm đó, cựu Thống đốc Kuroda cho biết lãi suất âm có thể hạ xuống nếu cần thiết. Nhưng sau phản ứng dữ dội của công chúng, sự phản đối từ các ngân hàng khi chứng kiến lợi nhuận của họ bị đè bẹp và các nhà quản lý lương hưu và bảo hiểm phải đầu tư ra nước ngoài để tìm tài sản có đủ lợi nhuận, lãi suất chưa bao giờ ở mức báo động như thế. Sáu tháng sau khi bắt đầu lãi suất âm, ngân hàng trung ương đã công bố xem xét lại chính sách khi cố gắng tìm cách kiểm soát lợi suất trái phiếu trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất âm.
Cuộc thử nghiệm toàn cầu về lãi suất dưới 0 vẫn tiếp tục. Theo Chỉ số Global Aggregate Index của Bloomberg, lượng trái phiếu mà các nhà đầu tư nhận được lợi suất âm cuối cùng đã đạt đỉnh 18.400 tỷ USD vào cuối năm 2020. Sau đó, lạm phát bắt đầu khuấy động và các ngân hàng trung ương châu Âu đã thoát ra khỏi lãi suất âm, với động thái của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) vào tháng 9/2022 khiến BOJ trở thành ngân hàng cuối cùng có lãi suất dưới 0.
Nhận định về hiệu quả của chính sách lãi suất âm là hỗn hợp
ECB tuyên bố lãi suất âm là một thành công, nghiên cứu cho thấy chúng đã hỗ trợ hoạt động cho vay của ngân hàng, cải thiện việc truyền tải các xung lực chính sách vào hệ thống tài chính, kích thích nền kinh tế và làm tăng lạm phát.
Tại Thụy Sĩ, Thống đốc SNB Thomas Jordan cho biết vào năm ngoái rằng, chính sách này “đã chứng minh được giá trị của nó” và sẽ được triển khai lại nếu cần thiết. Ngược lại, Riksbank của Thụy Điển đã chấm dứt lãi suất âm vào cuối năm 2019, và cho rằng hậu quả đối với hệ thống tài chính của nước này là quá lớn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa bao giờ rơi vào tình trạng lãi suất âm, lãi suất của Mỹ chạm đáy ở phạm vi từ 0 - 0,25% vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid hoành hành. Mặc dù lãi suất âm có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng chúng có thể “phản tác dụng nếu được thực hiện trong thời gian dài”.
Joseph Gagnon, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: “Điều quan trọng mà chúng tôi biết về lãi suất âm là chúng cực kỳ hạn chế”.
Các nhà phân tích của Fed lưu ý rằng lãi suất âm có thể hữu ích trong việc làm suy yếu đồng tiền – đây là mục tiêu mà SNB và Ngân hàng Quốc gia Đan Mạch nhắm đến.
Trong vài năm qua, khi lãi suất của Mỹ tăng cao, đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Điều này đè nặng lên các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ khi chi phí nhập khẩu tăng cao nhưng cũng giúp nâng lợi nhuận chung của các công ty Nhật Bản lên mức cao kỷ lục.
Lợi nhuận tăng vọt đó đã giúp thúc đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei 225 lần đầu tiên đạt mức kỷ lục mới kể từ năm 1989 trong năm nay. Các ngân hàng đang dẫn đầu về việc kỳ vọng rằng việc chuyển đổi khỏi lãi suất âm sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng chi tiêu cho chăm sóc trẻ em và quốc phòng và sẽ dựa vào nợ lãi suất thấp để chi trả. Nhật Bản là nước phát triển có khoản nợ chính phủ lớn nhất thế giới khi so sánh với tổng sản phẩm quốc nội, tương đương 255%.
Trong khi đó, Thống đốc Ueda vẫn đang để ngỏ các lựa chọn của mình, trong đó các cuộc đàm phán tiền lương trong tháng này là chìa khóa để xác nhận liệu nền kinh tế có đang ở trong một chu kỳ tích cực hay không. Các thành viên trong hội đồng quản trị của BOJ cũng đã báo hiệu một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra.
Nhưng ngay cả khi những ngày áp dụng lãi suất âm ở Nhật Bản đang khép lại, các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng chi phí đi vay sẽ vẫn ở mức gần bằng 0 trong một thời gian nữa.