Lãi suất 0% là phi thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đưa ra không lâu nhưng đã liên tục nhận lại nhiều ý kiến không đồng tình. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi nhanh cùng các chuyên gia kinh tế về ý tưởng này. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Một đề xuất không hợp lý, không phù hợp với môi trường tài chính ở Việt Nam”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tại sao lại vậy? Vì hậu quả khi đưa lãi suất về 0% là tạo ra sự rối loạn trên thị trường tài chính, tạo ra nhiều rủi ro trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và các lĩnh vực khác nữa.

Lý do khiến lãi suất 0% không thực hiện được ở Việt Nam, đó là nếu muốn lãi suất bằng 0 thì các ngân hàng phải có độ rủi ro bằng 0. Rủi ro luôn đi kèm với lãi suất, là cái giá phải trả cho tiền tệ khi vay mượn, nhưng trong lãi suất đó phần gọi là bồi thường cho rủi ro, phần này càng cao thì rủi ro càng lớn, phần lãi cho rủi ro càng cao.

Như vậy, nếu lãi suất bồi thường cho rủi ro bằng 0 thì rủi ro phải bằng 0. Điều này không thể thực hiện ở Việt Nam lúc này vì các ngân hàng đều có tỷ lệ rủi ro nhất định. Hiện chỉ có trái phiếu chính phủ, trong nội địa Việt Nam mới có rủi ro bằng 0, còn công cụ tài chính của các định chế tài chính khác đều có độ rủi ro.

Thêm nữa, mức độ rủi ro nói chung của nền kinh tế chúng ta cao, nhiều tổ chức xếp hạng chúng ta không thuộc danh mục đầu tư. Như vậy, nếu một người ở nước ngoài mà gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thì họ cần đòi hỏi sự an toàn, có phần bồi thường cho rủi ro, nên nếu để lãi suất bằng 0% thì người gửi tiền từ nước ngoài gửi vào hệ thống sẽ không chấp nhận điều này.

Lãi suất cần nhìn từ 2 khía cạnh. Nội bộ nền kinh tế người gửi trong nước sẽ không chấp nhận lãi suất bằng 0% vì yếu tố rủi ro từ các ngân hàng. Còn người nước ngoài đầu tư qua hình thức mua trái phiếu, chứng khoán hoặc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để đầu tư, khi đầu tư vào Việt Nam mà mức độ rủi ro cao thì ta không thể nào trả cho họ lãi suất bằng 0%.

Giả sử chúng ta áp dụng lãi suất bằng 0% trong khi lạm phát khoảng 3,5%, với mức độ làm phát như vậy thì người gửi tiền nhận lãi suất thực -3,5%. Như vậy người ta sẽ rút tiền để đầu tư kênh khác như chứng khoán, vàng, thậm chí cả buôn lậu ngoại tệ, hay các kênh đầu tư phi chính thức như tiền ảo, sàn giao dịch đa cấp. Việc này sẽ tạo ra sự mất thanh khoản tức thì cho hệ thống ngân hàng, gây nên sự rối loạn cho hệ thống tài chính.

Ngoài ra, nếu tiền gửi ngân hàng có lãi suất bằng 0% thì nhà đầu tư có thể dồn tiền sang trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất đang ở mức cao. Nhưng điều này cũng mang đến rủi ro lớn về mặt hệ thống, vì các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu không có sự ổn định, không có tài sản thế chấp, chưa có xếp hạng tín nhiệm trái phiếu nên rủi ro ở mức cao.

Do đó, theo tôi thay vì đề xuất giảm lãi suất xuống 0% thì nên gỡ bỏ tất cả các rào cản về lãi suất, để lãi suất tự vận hành theo cung cầu của thị trường, lãi suất có thể lên cao hay xuống thấp hơn.

Đặc biệt với tiền gửi 6 tháng vẫn có trần lãi suất, cũng cần bỏ quy định này để cung cầu tự vận hành, đưa lãi suất lên mức quân bình, vì lãi suất là giá cho vốn và giá của vốn quân bình khi là điểm gặp gỡ giữa hai đường cung - cầu, là điểm giao hòa giữa hai hàm số cung cầu, đồng thời là điểm ổn định và cần được vận hành theo thị trường.

Chuyên gia kinh tế Võ trí Thành: “Đề xuất là một lập luận không khoa học và chưa đủ căn cứ”.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cơ bản mà nói, lãi suất thấp và ổn định kinh tế vĩ mô là tốt, là để ủng hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải xét trong điều kiện, bối cảnh cụ thể. Và giai đoạn hiện tại điều này là không thích hợp.

Lập luận rằng việc nhiều nước trong khu vực đang áp mức lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% cũng không thuyết phục vì lãi suất áp dụng mức thấp hay cao trước tiên phải nhìn vào ổn định kinh tế vĩ mô và phải so sánh trên lãi suất thực. Cùng với đó, cần xét đến độ trưởng thành của thị trường tài chính, quá trình phát triển của thị trường tài chính, các loại tài sản tài chính khác ở từng thị trường, và các nước này thì khác Việt Nam.

Tôi chỉ đặt thử câu hỏi: Giả sử lãi suất được đưa về bằng 0% thì sử dụng đồng tiền ra sao? Đây cũng là cả một vấn đề lớn. Hay với ý kiến có nên chặn dòng tiền vào bất động sản hay không? Nếu chặn thì chặn thế nào? Nguồn tiền vào bất động sản phải kiểm soát ở mức vừa phải, nhưng vừa phải là thế nào?… Đây cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Việc ổn định làm phát và đưa lãi suất thấp là chuyện tốt nhưng không đủ khoa học, không đúng thời điểm thì cũng lại là vấn đề lớn. Thời điểm hiện tại, nhiều thứ chưa thích hợp cho việc này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: "Đây là đề xuất thiếu cả cơ sở và tính khả thi”

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tôi nói đề xuất là thiếu cơ sở và tính khả thi là bởi 5 lý do:

Thứ nhất: Việc so sánh với lãi suất danh nghĩa quốc tế là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực, trong mẫu so sánh (ví dụ, Việt Nam xếp hạng BB theo S & P (Mỹ), trong khi đó của Indonesia, Philippine là BBB, Thái Lan (BBB+), Malaysia (A-), Trung Quốc (A+), Hàn Quốc (AA), Singapore (AAA)…). Theo quy luật kinh tế - tài chính, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn (để bù đắp rủi ro đó).

Thứ hai: Lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%. Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương, không bị "mất tiền" một cách vô hình.

Thứ ba: Giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi VND là 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng trong khi có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Khi đó, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Qua đó, hệ thống tài chính - tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm…

Thứ tư: Lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… vừa rủi ro hơn vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Hơn 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra tình trạng này; tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, tín dụng tăng 5%, trong khi dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản... cao hơn nhiều.

Cuối cùng, giả sử dòng tiền đó chảy vào thị trường chứng khoán thi các doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp nên sẽ phải trả lãi suất khá cao (khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn so với đi vay ngân hàng khoảng 1 - 3%/năm). Như vậy, liệu đây có phải là bài toán huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp? Chưa kể, nếu doanh nghiệp đó không may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục