Nafoods Group hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng
Quý III/2024, NAF đạt 358,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 29,4% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt 96,9 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 27%, tăng 1,8 điểm % so với cùng kỳ, là quý thứ 11 liên tiếp Công ty ghi nhận biên lãi gộp cải thiện so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của Nafoods đạt 28,1 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận sau thuế đạt 7,8%, tăng 1,1 điểm % so với quý III/2023.
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của NAF đạt 1.109,8 tỷ đồng, giảm 18,1%; lãi gộp đạt 325 tỷ đồng, giảm 3,4%; biên lãi gộp đạt 29,3%, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 92,1 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ; biên lãi sau thuế đạt 8,3%, tăng 1,2 điểm %.
|
Nguồn: Bản tin Nhà đầu tư quý III/2024 – Nafoods Group |
Với kết quả này, sau 9 tháng đầu năm, NAF đạt 50,5% kế hoạch doanh thu và 71,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã công bố.
Biên lãi gộp cải thiện nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc chất lượng cao và quản lý rủi ro
Công ty cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm là do sản lượng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, chủ yếu do một số sản phẩm chính như vải năm nay mất mùa, chanh leo bị cạnh tranh với các nước Nam Mỹ do chi phí cước vận tải biển tăng… Đồng thời, giá bán trung bình cũng giảm do năm nay giá nguyên liệu, đặc biệt là chanh leo giảm.
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp liên tục cải thiện do quá trình tái cấu trúc của Công ty bắt đầu từ giữa năm 2022 phát huy hiệu quả. Chiến lược hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy Nafoods Tây Nguyên, sáp nhập nhà máy Thực phẩm Nghệ An, nhà máy Nafoods Tây Bắc, đã giúp Công ty hoàn thiện chuỗi giá trị, quản lý xuyên suốt chuỗi cung ứng, kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, chi phí, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ thị trường, mùa vụ.
Bên cạnh đó, Nafoods cũng thay đổi chiến lược, không theo đuổi cạnh tranh về giá mà tập trung vào quản lý rủi ro, chất lượng sản phẩm, phân khúc premium so với thị trường, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, giảm rủi ro claim, khiếu nại và mất uy tín với khách hàng.
Nafoods cho biết, với nền tảng này, chiến lược thời gian tới sẽ tập trung vào việc phát triển, mở rộng thêm các thị trường mới như Trung Quốc, Úc…; các loại quả mới như sầu riêng, café…; và các phân khúc sản phẩm mới như quả tươi, sản phẩm tiêu dùng B2C… để tái cân bằng, giảm thiểu rủi ro, tận dụng tối đa năng lực của chuỗi và tăng trưởng hiệu quả hơn.
Với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái cây nhiệt đới thơm ngon, tốt cho sức khỏe ngày càng tăng của thị trường, cùng với tác động của các Hiệp định thương mại, các Nghị định thư về việc mở rộng tiếp cận cho trái cây Việt Nam ở một số thị trường, kỳ vọng chiến lược này của NAF sẽ phát huy hiệu quả, giúp doanh số quay trở lại tăng trưởng trong thời gian tới.
Tái cấu trúc nguồn vốn
Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 5,7% so với đầu năm, đạt 2.161 tỷ đồng, gồm 1.126 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tăng 10,7%; và 1.035 tỷ đồng tài sản dài hạn, tăng 0,8% so với đầu năm. Lượng tiền nắm giữ cuối quý III đạt 242 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đạt 274 tỷ đồng, tương đương thời điểm đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.110 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 881 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Công ty tiếp tục duy trì khả năng thanh toán lớn hơn 1 lần, tỷ lệ nợ vay/EBITDA cải thiện dần và hiện ở mức 3,5 lần, tương đối an toàn.
Nafoods cho biết, thời gian qua Công ty đã và đang tích cực tái cấu trúc nguồn vốn nhằm đảm bảo an toàn tài chính và phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Công ty liên tục tiếp cận và mở rộng mối quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mới trong và ngoài nước để có thêm các nguồn vốn mới, hạn mức tín dụng mới. Hiện Nafoods có quan hệ tín dụng với trên 10 ngân hàng, với tổng hạn mức tín dụng được cấp khoảng 1.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dư nợ vay hiện tại.
|
Nguồn: Bản tin nhà đầu tư quý III/2024 – Nafoods Group |
Trong kỳ, NAF cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%, đồng thời chi hơn 72,8 tỷ đồng để mua lại 2.675.000 cổ phiếu ưu đãi hoàn lại (đợt 1), với giá mua 27.200 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần ưu đãi hoàn lại còn lại là 9.683.933 cổ phần, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mua lại trong quý IV/2024 và quý I/2025. Đây là toàn bộ số cổ phần ưu đãi hoàn lại mà NAF đã phát hành cho Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC vào năm 2019.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi đầu năm, NAF cho biết lý do mua lại số cổ phần ưu đãi hoàn lại trên là do cả NAF và IFC đều thống nhất rằng khoản đầu tư này sau 5 năm đã phát huy hết vai trò và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính hàng năm cho khoản đầu tư này khá cao so với mặt bằng chung. Do đó, hai bên đồng thuận kết thúc khoản đầu tư này bằng việc NAF mua lại cổ phần của IFC, đồng thời IFC cũng sẵn sàng quay lại đầu tư vào Nafoods vào thời điểm phù hợp, với công cụ tài chính phù hợp hơn trong tương lai.
Giá cổ phiếu tăng gần 50% so với đầu năm
Trên thị trường, cổ phiếu NAF thời gian qua diễn biến khá tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10/2024, NAF đứng tại mức giá 20.700 đồng?CP, tăng 48% so với đầu năm. Thanh khoản cổ phiếu NAF cũng cải thiện trong thời gian gần đây với khối lượng giao dịch bình quân 20 ngày đạt 326 ngàn cổ phiếu/phiên, cao hơn nhiều so với 8 tháng đầu năm.
|
Những kết quả trên ngoài việc phản ánh các thông tin tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh, vị thế và tiềm năng tăng trưởng của Nafoods, một phần còn nhờ những cải thiện trong hoạt động IR của doanh nghiệp. Trong kỳ, NAF vinh dự là một trong ba doanh nghiệp trong nhóm small cap được vinh danh tại IR Award 2024 do báo Vietstock phối hợp tổ chức với hai hạng mục giải thưởng: small cap có hoạt động IR được nhà đầu tư yêu thích nhất, và small cap có hoạt động IR được các định chế tài chính đánh giá cao nhất.
Bên cạnh đó, NAF cũng vượt qua hàng trăm doanh nghiệp niêm yết khác, để lọt vào vòng chung khảo Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024 do hai sở Giao dịch chứng khoán và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức ở cả hai hạng mục Doanh nghiệp niêm yết có Báo cáo thường niên 2023 tốt nhất và Doanh nghiệp niêm yết Quản trị Công ty tốt nhất.