Lại ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, một bộ phận người lao động đã bị mất việc làm hoặc giảm sút thu nhập, nhiều người trong số họ quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thực trạng đáng báo động

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh rất nhiều về hiện tượng quá tải tại một số cơ quan BHXH ở địa phương do số người lao động đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng đột biến.

Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, quý I/2022, địa phương này có tới 37.000 người nhận BHXH một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021, trung bình mỗi tháng có hơn 12.000 người lao động rời khỏi hệ thống BHXH. Tại Long An, chỉ trong hai tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết hơn 3.800 hồ sơ nhận BHXH một lần.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, ba tháng đầu năm nay, gần 209.000 lao động đã chọn rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong hai năm đại dịch 2020 và 2021, mỗi năm có tới hơn 860.000 lao động rút BHXH rồi rời khỏi hệ thống.

Đáng lưu ý, tình trạng này đã xảy ra từ trước khi dịch bệnh. Từ năm 2016 đến năm 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Điều này có nghĩa là cứ hai người mới gia nhập hệ thống BHXH thì một người rời đi.

"Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hoá", BHXH Việt Nam nhận định.

Trao đổi với PV, chị Ngọc Minh, công nhân khu công nghiệp ở Bắc Ninh cho biết, chị đã nghỉ việc chuyển về quê sống bằng nghề bán hàng hơn một năm nay, kể từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ tư. Sau một năm cân nhắc, chị Minh quyết định rút BHXH một lần để lấy vốn làm ăn.

"Trước đây hai vợ chồng tôi làm công nhân, thu nhập chỉ đủ sống và gửi tiền về quê nuôi con nên không có tích luỹ. Giờ cần vốn làm ăn, tôi phải rút BHXH sau 12 năm tham gia. Mặc dù rất tiếc nhưng không còn cách nào khác. Hơn nữa, tôi cũng không có khả năng đóng tiếp 8 năm nữa, không biết bao giờ mới có thể đóng tiếp...", chị Minh chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Trung, nhân viên một công ty vận tải hành khách ở Hà Nội thì cho biết, đang làm trong công ty tư nhân, công ty cho nhân viên hai lựa chọn đóng BHXH hoặc không đóng, tất nhiên ai chọn không đóng thì có mức lương cao hơn.

"Đâu cũng vào đó cả, mặc dù quy định trong 22% đóng BHXH có 14% do chủ sử dụng lao động đóng, còn lại người lao động đóng 8%, nhưng thực tế chủ sử dụng lao động luôn tìm cách lấy 14% đó từ thu nhập của người lao động. Tôi thà chọn không đóng, nếu có dư tôi mua bảo hiểm ngoài hoặc gửi tiết kiệm còn hơn là đóng suốt 20 năm rồi về hưu nhận được 75% mức lương cơ bản như quy định", anh Trung nêu quan điểm.

Lộ diện bất cập từ chính sách

BHXH Việt Nam khuyến cáo, khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động đã tiêu trước "của để dành" cho tương lai. Khi về già, hết tuổi lao động, họ sẽ không được hưởng lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Khi mất đi, người thân của họ không được nhận khoản trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất dành cho thân nhân.

Đó là chưa kể, người lao động đối diện với rất nhiều thiệt thòi do mức đóng của mỗi người vào các quỹ của BHXH trong một năm tương đương 2,64 tháng lương nhưng khi quyết định nhận BHXH một lần, họ chỉ được tính cho mỗi năm đóng BHXH là 1,5 - 2 tháng lương bình quân đã đóng. Sau khi rút BHXH một lần, nếu muốn tham gia lại, họ phải đóng lại từ đầu chứ không được cộng dồn thời gian đã đóng trước đó.

Những thiệt thòi của người lao động sau khi rút BHXH một lần (Đồ hoạ: BHXH Việt Nam)

Những thiệt thòi của người lao động sau khi rút BHXH một lần (Đồ hoạ: BHXH Việt Nam)

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu “bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Ông Quảng nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần: Thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn; dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập của họ giảm sút, một bộ phận bị mất việc làm; chính sách BHXH hiện nay của nước ta chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt; người lao động không nắm rõ quy định và lợi ích của các chế độ BHXH mà họ được hưởng; trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH còn nhiều bất cập, hạn chế.

Theo quy định hiện hành, người lao động phải đóng đủ 20 năm và phải đủ 62 tuổi mới được nhận sổ hưu và được lĩnh lương hưu. Những người đóng đủ 20 năm, thậm chí hơn 20 năm nhưng mới ngoài 40 tuổi thì phải đợi gần 20 năm nữa mới được lĩnh lương hưu. Ngược lại, những người đóng muộn, khi đủ tuổi nghỉ hưu cũng chưa thể đóng đủ 20 năm để được nhận lương hưu. Do vậy, những người này chọn rút BHXH một lần vì thấy có lợi hơn.

Mặt khác, nếu không rút BHXH một lần thì khi đủ năm nhận lương hưu, người lao động cũng chỉ nhận được mức 44-75% lương tối thiểu, đồng nghĩa với mức sống thấp hơn mức tối thiểu. Trong khi nhiều năm nay, mức lương tối thiểu của Việt Nam luôn được nhận xét là không theo kịp mức sống tối thiểu.

Kiến nghị giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, đi kèm chính sách hỗ trợ

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH.

Theo đó, một nội dung quan trọng là thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15, thậm chí 10 năm, tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2021, trong khi thảo luận về Luật BHXH (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc lại và đồng tình đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, theo tinh thần Nghị quyết 28.

Tại phiên giải trình chiều 27/10/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá Nghị quyết 28, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH. Chủ trương của Bộ là phát triển hệ thống BHXH đa tầng, sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm…, đồng thời nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng từ đó xây dựng chính sách BHXH hấp dẫn để người lao động tham gia.

Việc người lao động rút BHXH một lần để giải quyết vấn đề sinh kế trước mắt là một nhu cầu thực tế của họ. Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng nếu bảo lưu tiền BHXH đến khi già nhận lương hưu thì cũng không đáng là bao. Thực tế thì lương hưu ở thời điểm hiện tại không đủ sống. Bởi vậy, trong khi khuyến nghị người lao động cân nhắc việc duy trì đóng BHXH, cơ quan quản lý cần cung cấp chính sách hỗ trợ khác như giảm thời gian đóng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên

Về chủ trương giảm đóng BHXH xuống còn 15 năm, ông Lê Đình Quảng nêu quan điểm, mong muốn trên của người lao động là hết sức chính đáng, hợp lý và tổ chức Công đoàn đồng nhất với kỳ vọng của người lao động.

Để đạt được mục tiêu này, ông Quảng cho rằng, cần điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Việc hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, “trọn gói”, và nhất quán quan điểm sửa đổi Luật BHXH theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, hiện nay một số người dân, đặc biệt công nhân không mặn mà với BHXH do thời gian đóng BHXH hiện nay quá dài chưa tương xứng với mức hưởng. Có người làm 10 – 15 năm thậm chí 19 năm cũng không được hưởng BHXH.

“Tôi đồng tình với chủ trương của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm. Tại các kỳ họp Quốc hội sắp tới khi bàn bạc Luật BHXH (sửa đổi), tôi sẽ có ý kiến cụ thể trên cơ thể cân nhắc các điều kiện hiện tại để làm sao BHXH có cơ chế chính sách đặc thù, thông thoáng hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và sự ổn định bền vững của chính sách BHXH nói chung", đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Vị Đại biểu Quốc hội này cũng chia sẻ thêm, để tăng tính thu hút người lao động, BHXH Việt Nam cần cân nhắc để tăng hiệu quả sử dụng quỹ BHXH, tạo ra nhiều lợi nhuận từ tiền nhãn rỗi hơn, có thể tham khảo cách quản lý quỹ của các công ty bảo hiểm nước ngoài, ví dụ có thể sử dụng tiền đó để mua bán bảo hiểm...

Theo dự kiến, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV vào tháng 12/2022, sau đó được thông qua tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 5/2023 và có hiệu lực từ 1/1/2024.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục