Lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình cung ứng vốn của hệ thống tài chính cho nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm nhìn chung được đảm bảo do thanh khoản ổn định. Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 30/9/2016 tăng 14,8% so với cuối năm 2015, trong đó, khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 75,4% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 14,1% trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 8%), tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng (12,5%), số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết.
Thông tin gần đây nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, trong tuần từ 10 -14/10/2016, đối với các giao dịch bằng VND so với tuần từ 3 - 7/10/2016, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng giảm lần lượt 0,24%/năm, 0,25%/năm và 0,24%/năm xuống mức 0,38%/năm, 0,43%/năm và 1,51%/năm. Còn trên thị trường, từ ngày 26/9, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm được như kỳ vọng. Quan điểm từ cơ quan này cho rằng, nguyên nhân do dư thừa thanh khoản trên thị trường 2 (liên ngân hàng) chỉ là trong ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu là trung dài hạn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng yếu kém vẫn khó tiếp cận vốn trên thị trường 2 nên phải huy động với mặt bằng lãi suất cao hơn, giữa thị trường 1 và thị trường 2 chưa có sự liên thông. Đồng thời, các tổ chức tín dụng chủ động đón đầu cơ cấu kỳ hạn, điều chỉnh theo sửa đổi Thông tư 36.
Nguyên nhân mặt bằng lãi suất cho vay chưa như kỳ vọng, cũng được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức cuối tháng 10, đó là quá trình xử lý nợ xấu vẫn chậm và chưa triệt để. Việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng của VAMC chậm, kết quả thu hồi nợ thấp.
Cụ thể, trong 3 năm, VAMC thu hồi khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 14,5% nợ gốc bán cho VAMC), trong đó, VAMC tự xử lý là 14.600 tỷ đồng, bao gồm bán nợ (3.600 tỷ đồng) và bán tài sản bảo đảm (11.000 tỷ đồng), còn lại 23.300 tỷ đồng là ủy quyền cho tổ chức tín dụng thu hồi hộ. Có 228.000 tỷ đồng tài sản xấu vẫn đang nằm chờ xử lý.
“Các tổ chức tín dụng vẫn là người chịu trách nhiệm chính xử lý nợ xấu, nhưng năng lực tài chính đang bị bào mòn do phải trích lập dự phòng rủi ro. Các nguồn lực khác như nhận cấn trừ nợ, xiết nợ, hoán đổi nợ xấu thành vốn góp đang bị hạn chế do quy định pháp lý”, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2016 của các ngân hàng cũng có thể thấy rõ điều đó. Tại thời điểm 30/9/2016, nợ xấu của BIDV tăng 3.628 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,96%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 2.212 tỷ đồng, tương đương mức tăng 46% lên 6.947 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 6 lần lên mức 2.464 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BIDV phải trích lập gần 6.940 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Dù các nguồn thu cùng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần trong kỳ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 4.841 tỷ đồng, song do chi phí dự phòng quá lớn, Ngân hàng chỉ lãi ròng 1.938 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ…
Lãi suất dù không giảm như kỳ vọng, và có một thực tế được Đầu tư Chứng khoán ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp: lãi suất không còn là vấn đề chính yếu quyết định việc vay vốn. Nhưng, rõ ràng, nợ xấu nếu được xử lý nhanh hơn sẽ giúp mặt bằng lãi suất giảm thêm, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.