
Du lịch Lai Châu “lột xác”
Sở hữu cảnh sắc hùng vĩ, địa hình đa dạng cùng bản sắc văn hóa phong phú của hơn 20 dân tộc anh em, Lai Châu là điểm đến nguyên sơ, nhưng không kém phần cuốn hút. Những đỉnh núi ẩn hiện trong mây, bản làng bình yên, chợ vùng cao rực rỡ... tạo nên bức tranh Tây Bắc sống động và chân thực. Nhờ đầu tư bài bản, Lai Châu đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch cả nước.
Ông Trần Quang Kháng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, nếu trước kia Lai Châu chỉ là điểm dừng chân, thì nay đã đủ sức giữ chân du khách với hàng loạt sản phẩm độc đáo: bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đạt chuẩn ASEAN, dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương”, cầu kính Rồng Mây hay hang động Pusamcap - “Tây Bắc đệ nhất động”.
Cùng với đó, trekking và hiking đang tạo sức hút lớn, nhất là tại rừng đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng.
Lai Châu cũng không ngừng hoàn thiện hạ tầng du lịch với các cơ sở lưu trú, nhà hàng đặc sản, hệ thống viễn thông. Đặc biệt, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Lai Châu và hầm đường bộ Ô Quy Hồ sẽ rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ, mở ra thời kỳ phát triển mới cho du lịch Lai Châu.
Kết nối thực chất, phát triển bền vững
Sự thay đổi của Lai Châu là lời mời gọi chân thành và cởi mở tới cộng đồng doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, một trong những thị trường du lịch năng động và sôi động bậc nhất cả nước. “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp lữ hành Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát, trải nghiệm, để thấy tận mắt vẻ đẹp khác biệt và đầy tiềm năng của Lai Châu. Từ đó, hai bên cùng nhau xây dựng sản phẩm, khai thác tour tuyến phù hợp, thúc đẩy lượng khách hai chiều”, ông Kháng bày tỏ.
Không chỉ dừng ở lời kêu gọi, Lai Châu cam kết sát cánh cùng doanh nghiệp từ khâu xây dựng sản phẩm đến triển khai tour, với mong muốn cùng nhau phát triển theo đúng tinh thần “doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển”.
Ông Hoàng Quốc Việt, nhà sáng lập Pu Lai Châu Travel khẳng định, Lai Châu sở hữu 3 “cái nhất” tạo nên thương hiệu du lịch mạo hiểm độc đáo. Tỉnh quy tụ 6 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, trong đó Pu Ta Leng - đỉnh núi cao thứ 3 cả nước, được đánh giá có cảnh quan đẹp nhất, là điểm đến mơ ước của giới leo núi.
Bên cạnh địa hình hùng vĩ, Lai Châu còn có “kho báu” văn hóa với nhiều dân tộc hiếm gặp như người Lự, cùng những nét văn hóa truyền thống còn giữ gần như nguyên vẹn. Điển hình là bản Sin Suối Hồ, nơi cả cộng đồng gần 800 người sống xanh, sạch, không hút thuốc, không uống rượu, không xả rác, trở thành hình mẫu du lịch bền vững truyền cảm hứng.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm về thiên nhiên tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, Pu Lai Châu Travel đã phát triển hệ sản phẩm trekking chinh phục 10 đỉnh núi. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hợp tác cùng các công ty lữ hành Hà Nội để đưa du khách khám phá vẻ đẹp nguyên bản của Lai Châu.
Nhận định Lai Châu có nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội lại đặt vấn đề về truyền thông điểm đến. Theo ông, Lai Châu có nhiều cái hay, cái đẹp, nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Vì thế, việc tăng cường truyền thông, đặc biệt trên các kênh số, là yêu cầu cấp thiết. Ông Tuấn Anh khẳng định, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ đồng hành với
Lai Châu, truyền thông thường xuyên trên hệ thống kênh của mình, đồng thời tổ chức chương trình caravan vào tháng 9 tới để khảo sát, quảng bá và kết nối thực tế.
Một đề xuất đáng chú ý mà ông Tuấn Anh đưa ra là thành lập “liên minh bán tour Lai Châu”, với cơ chế kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức mạnh truyền thông và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh vai trò cầu nối của Thủ đô trong chương trình liên kết phát triển du lịch, đồng thời, cam kết đồng hành cùng tỉnh Lai Châu trong việc liên kết, phát triển du lịch giữa hai địa phương.
“Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường công tác kết nối thông tin 2 chiều trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội cũng như các sự kiện quảng bá du lịch của Hà Nội. Sở cũng sẽ tổ chức các đoàn famtrip cho doanh nghiệp lữ hành Thủ đô đến Lai Châu để có thêm nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường khách Hà Nội và khách quốc tế, qua đó thúc đẩy khách du lịch hai chiều Hà Nội - Lai Châu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Những ngày lễ lớn là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh và hấp dẫn du khách, cần phải được tận dụng tốt. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế 365 ngày. Muốn phát triển bền vững, cần có kế hoạch kinh doanh dài hạn, đầu tư vào sản phẩm, thị trường mục tiêu và xúc tiến quảng bá bài bản. Muốn du lịch bứt phá, không thể chỉ trông chờ vào những dịp lễ, mà cần biến mỗi ngày là một cơ hội để kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới.
- Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam