Vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông chủ yếu từ ngân hàng
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 484.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA cân đối khoảng 181.000 tỷ đồng, tương đương 37% so với nhu cầu vốn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả đã huy động được 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) trong tổng nguồn 444.040 tỷ đồng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn này. Tổng vốn được giải ngân trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 379.213 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn tư nhân 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) và giải ngân vốn nhà nước 257.380 tỷ đồng (chiếm 67,87%).
Được biết, nguồn vốn tư nhân ở đây chủ yếu vay vốn thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước. Ngoài ba ngân hàng đóng vai trò chính là VietinBank, BIDV, SHB, thì còn một số tổ chức tín dụng khác tham gia vào các dự án này.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trên cơ sở thực tiễn và kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039.000 tỷ đồng cho các dự án do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý. Dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao.
Để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện tại thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải là nhu cầu tất yếu.
Nhiều rủi ro
Dựa trên các số liệu được Bộ Giao thông Vận tải công bố, các chuyên gia kinh tế tính toán giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thiếu khoảng 90% nguồn vốn, tương đương 900.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nếu Chính phủ không nhanh chóng triển khai các giải pháp khác như đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)…, rủi ro cho nền kinh tế và đặc biệt là hệ thống ngân hàng là rất lớn.
Cụ thể, rủi ro về thanh khoản của các ngân hàng khi thời gian cho vay các dự án BOT, BT thường kéo dài khoảng 15 - 18 năm và dài nhất là từ 25 - 30 năm. Nguồn thu từ phí, lệ phí phải mất một thời gian dài, có thể lên tới 5 - 7 năm chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ.
“Trong khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn thì việc tập trung cho vay những dự án này sẽ khiến mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối và giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích.
Bên cạnh đó là rủi ro tín dụng khi người vay vốn ngân hàng cố tình hoặc không có khả năng hoàn trả một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi đúng thời hạn trong hợp đồng tín dụng. Nguyên nhân được lãnh đạo các ngân hàng đúc kết là do năng lực lập, triển khai, quản lý dự án của nhà đầu tư còn yếu… Mặt khác, gần như toàn bộ các dự án thường không đánh giá đúng tổng mức đầu tư khi thẩm định, quyết định đầu tư và thực tế chi phí phát sinh tăng quá cao khiến hiệu quả tài chính bị giảm sút.
“Các dự án BOT thường có nhu cầu vốn lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí vượt mức giới hạn cấp tín dụng tối đa trên vốn tự có của một tổ chức tín dụng, nên trường hợp có rủi ro xảy ra thiệt hại đối với ngân hàng cho vay là rất lớn. Đó là chưa kể đến không ít công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, dẫn đến ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng…”, Phó tổng giám đốc khối nguồn vốn cảnh báo.
Vị Phó tổng giám đốc trên cũng thừa nhận, năng lực thẩm định của cán bộ ngân hàng trong lĩnh vực này còn hạn chế. Đó là chưa kể, thời gian cho vay vốn kéo dài nên nếu khoản vay có vấn đề thì rất có thể các cán bộ này đã hết nhiệm kỳ hoặc không còn làm việc tại ngân hàng...
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống, mới đây, Thống đốc NHNN có Công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đây là lần cảnh báo thứ ba liên tiếp trong một năm trở lại đây của NHNN đối với yêu cầu giám sát và cảnh báo từ xa để đảm bảo an toàn tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
NHNN cho biết, văn bản vừa ban hành nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 17/6/2016 của Văn phòng Chính phủ về quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư thực hiện các dự án BOT, BT xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
NHNN nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5/8/2016 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp. “Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn”, NHNN lưu ý.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, các dự án có áp dụng thu phí theo hình thức trạm thu phí không dừng; không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.