Các sản phẩm đấu giá hầu hết đều là các tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử, đến từ nhiều nền văn hóa (từ Đông sang Tây) và sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng...
Tại phiên đấu giá, nhiều sản phẩm nghệ thuật được ban tổ chức đưa ra giá 0 đồng, hay đấu giá ngược để làm tăng thêm tính thanh khoản của các sản phẩm tại phiên đấu giá.
Nhiều khách hàng là những nhà sưu tầm đồ cổ đến đây xem và đấu giá mua sản phẩm đã đánh giá cao việc tổ chức những phiên đấu giá nghệ thuật như vậy, tạo sân chơi lành mạnh và mở ra một xu hướng mới cho thị trường.
Trong đó, bức tranh “Tĩnh vật hoa” của hoạ sĩ Lưu Công Nhân được đấu thành công với mức giá 46 triệu đồng; bức tranh Tân Mão của hoã sĩ Hoàng Đình Tài được đấu giá ngược chốt ở mức 28 triệu đồng; bức tranh “Hồng nhan” của hoạ sĩ trẻ Lê Đức Tùng với giá khởi điểm 25 triệu đồng, đã đấu giá thành công ở mức 31 triệu đồng.
Đặc biệt, phiên đấu giá các sản phẩm cổ vật thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng tại phiên đấu giá khi nhiều món đồ cổ được trả giá rất nhanh và nhiều khách hàng cùng trả giá như “Choé sứ” Thanh Triều thế kỷ 19 giá khởi điểm 20 triệu đồng đã đấu giá thành công ở mức 40 triệu đồng; đồng hồ cổ mạ vàng có giá khởi điểm 0 đồng, nhưng đã đấu thành công ở mức 360 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lạc Việt cho biết, so với phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên cách đây 1 năm, phiên đấu giá lần này đã tăng cả về số lượng sản phẩm đấu giá từ 5 sản phẩm tại phiên đầu tiên cho tới 50 sản phẩm cho đến nay, đồng thời tăng từ 3-5 lần số lượng khách hàng tham dự đấu giá.
Điều này cho thấy ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến lĩnh vực này, trong đó đặc biệt là các doanh nhân, các nhà sưu tầm đồ cổ hay các khách hàng quan tâm tới lĩnh vực nghệ thuật. Từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho thị trường đấu giá tài sản khi Luật Đấu giá tài sản sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 tới đây.