Ông Nguyễn Việt Đức, Trung tâm Nghiên cứu CTCK MB (MBS) trao đổi với ĐTCK.
Vòng đàm phán cuối cùng để thông qua một trong những hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới đã kết thúc. Kết quả khả quan về TPP có tác động như thế nào lên TTCK trong ngắn hạn, thưa ông?
Bên cạnh việc nới room (một trong những bước để nâng hạng thị trường) thì TPP có thể coi là yếu tố quan trọng nhất có thể thúc đẩy TTCK tăng trưởng trong vòng 3 năm qua. Sau nhiều lần thất vọng, nay TPP đã chính thức kết thúc đàm phán, tôi tin rằng tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan trở lại và TTCK sẽ vượt qua được vùng tích lũy hiện tại để tiến tới vùng giá kỳ vọng 600 điểm trong năm 2015.
Nhóm cổ phiếu dự báo được hưởng lợi nhiều sau hiệp định này đến từ lĩnh vực nông sản, thủy sản, dệt may…, nhưng những nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, không tác động nhiều vào chỉ số. Theo quan điểm của ông, TPP liệu có tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác?
Theo đánh giá của Peterson Institute, sau khi gia nhập TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37% đến năm 2025 và thu nhập đầu người sẽ tăng 13%. Điều này có nghĩa xuất khẩu sẽ là đầu tàu, đặc biệt là ngành dệt may (với các cổ phiếu điển hình như STK, TCM, TNG) và một phần là ngành thủy sản (HVG, FMC, VHC).
Với độ mở như nền kinh tế Việt Nam thì tốc độ lan tỏa tới các ngành kinh tế khác cũng khá mạnh và TPP sẽ là lực đẩy cho sự đi lên của TTCK trong thời gian tới. Chúng tôi chú ý tới những ngành sẽ được hưởng lợi gián tiếp như dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu (GMD, APC), các công ty cơ sở hạ tầng (REE, FPT, FCN, HUT, LGC), vật liệu xây dựng (HSG, CVT, VIT), cho thuê khu công nghiệp (KBC, ITA), bất động sản giá rẻ gần các khu công nghiệp (NLG, ITA, HQC); ngành ngân hàng do các TCTD có thể đẩy mạnh cho vay xuất nhập khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng (MBB, BID, VCB).
Nhận định của ông về dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam, sẽ chỉ gia tăng ở dòng vốn FDI để đón đầu khả năng thông thương hàng hóa tăng lên sau TPP hay cả dòng vốn ngoại gián tiếp chảy vào TTCK cũng sẽ khởi sắc?
Xu hướng tăng trưởng FDI để hưởng lợi từ những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đem lại cho nhà đầu tư nước ngoài là xu thế đã rất rõ nét trong những năm qua. Tuy nhiên, có thể thấy dòng vốn gián tiếp cũng sẽ nhắm tới những công ty đầu ngành trong các lĩnh vực được hưởng lợi (xuất khẩu, bất động sản giá rẻ, khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng) và các công ty phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam để khai thác một thị trường có dân số lớn và tốc độ thu nhập đầu người sẽ gia tăng nhanh chóng.
Dòng vốn gián tiếp đến nay còn chậm, một phần vì chúng ta chưa có những hàng hóa phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta đẩy mạnh IPO và niêm yết những công ty lớn (Mobifone, Vinaphone, Sabeco, Habeco…) với một định giá hợp lý thì tôi tin luồng vốn gián tiếp nước ngoài sẽ gia tăng nhanh chóng.
Xu hướng chủ đạo của thị trường tháng 10 sẽ là gì, khi mà ẩn số TPP đã lộ diện, thưa ông?
Ẩn số TPP dù đã lộ diện nhưng do quá trình đàm phán là bí mật nên các thông tin cụ thể chưa được công bố rộng rãi. Do đó, nhà đầu tư sẽ rất quan tâm tới nội dung chi tiết của TPP và tác động tới các ngành, các công ty cụ thể.
Nhà đầu tư sẽ dựa vào kết quả kinh doanh quý III/2015 để đánh giá xem các công ty cụ thể có một nền tảng vững mạnh để hưởng lợi từ TPP không. Tôi cũng kỳ vọng vào thông tin từ các đợt IPO lớn trong quý IV/2015, vì tiến trình IPO hiện nay là chậm về cả số lượng và quy mô.
Với định giá hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua và các thông tin mới tích cực, tôi cho rằng, VN-Index sẽ tăng trưởng trong tháng 10 với mức điểm kỳ vọng từ 580 - 600 điểm.