Lạc quan lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

(ĐTCK) Bức tranh về kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay nhìn chung có nhiều điểm sáng, nhưng song hành với đó vẫn còn những quan ngại…
Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong sau 6 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Toàn Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong sau 6 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Toàn

Những con số đẹp

VIB vừa công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 chưa kiểm toán. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 380 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2016, đạt 51% kế hoạch năm. Doanh thu tăng trưởng ở hầu hết các khoản mục chính: Thu nhập lãi thuần tăng 25%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 54%. Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 29%, giúp VIB cải thiện khả năng sinh lời.

Tính đến 31/6/2017, tổng tài sản của VIB tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016, vượt mức 115.000 tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng 15% và dư nợ tín dụng đạt 75.686 tỷ đồng, tăng 15,7%. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 69.260 tỷ đồng. VIB cho biết, tăng trưởng tín dụng phần lớn đến từ cho vay khách hàng cá nhân, với mức tăng hơn 30%.

Mặc dù chưa công bố con số chính xác, nhưng theo CTCK TP.HCM (HSC), ước tính tín dụng và huy động 6 tháng đầu năm của ACB tăng 12% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Hệ số CAR ước đạt 11,2%; tỷ lệ NIM khoảng 3,5% nhờ vốn huy động tăng tốt.

Tại khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tổng tài sản đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 9%, tương đương 86.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016; huy động vốn đạt 947.000 tỷ đồng, tăng 9,7%, tương đương 83.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 767.800 tỷ đồng, tăng 9,7%, tương ứng 67.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với cùng kỳ 2016, với con số gần 4.800 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm. ROA đạt 0,97%, ROE đạt 12,5%.

Tại Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5%, hoàn thành 53,2% kế hoạch năm.

Thực tế cho thấy, không chỉ tại các ngân hàng cỡ trung và lớn mới ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB thông tin, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, SCB đã cân đối nguồn thu và chủ động trích lập hơn 515 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 178 tỷ đồng và chi phí dự phòng trái phiếu VAMC là 337 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế của SCB sau trích lập còn lại 69 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận này dù còn khiêm tốn, nhưng khi xét riêng từng mảng hoạt động, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SCB cho thấy nhiều khả quan, nhất là hoạt động kinh doanh chứng khoán với mức lợi nhuận đạt hơn 568 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2016 và hoạt động dịch vụ với mức lợi nhuận đạt 194 tỷ đồng, tăng 20%.

“Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, SCB đã có chính sách điều chỉnh miễn giảm lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất cho vay”, ông Văn cho hay.

Hay như tại TPBank, kết thúc 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt 483 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 61,92% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2017 là 780 tỷ đồng. Tổng tài sản của TPBank đạt 115.677 tỷ đồng, bằng 88,98% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng tăng gần 10% so với thời điểm 31/12/2016, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp dưới 1%.

Thận trọng với kỳ vọng 6  tháng cuối năm

Các thông tin trên không nằm ngoài kết quả tổng hợp điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành. Cụ thể, có 64% TCTD nhận định tình hình kinh doanh trong quý II/2017 có sự cải thiện tốt và rõ nét hơn so với quý I/2017; thanh khoản toàn hệ thống tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt và cải thiện so với quý trước. Dự kiến trong quý III và cả năm 2017, hầu hết các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của đơn vị mình tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ.

Các TCTD kỳ vọng, huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,72% trong quý III và 16,02% cả năm, trong đó VND tăng 16,59%, ngoại tệ tăng 1,14%. Huy động vốn VND vẫn đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung của toàn hệ thống, trong khi huy động vốn ngoại tệ chỉ tăng nhẹ không đáng kể. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5,09% (VND tăng 5,68%; ngoại tệ tăng 1,62% trong quý III và 16,33% tính đến cuối năm 2017 (VND tăng 16,89%, ngoại tệ tăng 9,3%).

Về xu hướng cải thiện trong năm 2017, các TCTD khá lạc quan với 82% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 25% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Nhìn chung, theo nhận định của các TCTD, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng liên tục được cải thiện trong 6 tháng đầu năm nay; trong đó quý II cải thiện rõ nét hơn quý I và kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong 2 quý cuối năm.

“Dự kiến trong năm nay, 90,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống TCTD kỳ vọng đạt 13,2%, điều chỉnh giảm so với kỳ vọng 18,65% xác lập tại cuộc điều tra kỳ trước. Trong đó, thu nhập ròng từ dịch vụ và hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá”, lãnh đạo cao cấp Vụ Dự báo - Thống kê nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dữ liệu từ năm 2000 đến nay chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào vốn là chủ yếu, trong khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm. Do vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế: “Cần lưu ý không nên vội vàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng quá nóng và nhanh, nếu không sẽ gây ra rủi ro”.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế quan ngại các yếu tố bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất một lần nữa vào năm 2017 và hai lần vào năm 2018, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước vẫn trên đà thắt chặt, cùng với chính sách bảo hộ thương mại tăng và chính sách thuế mới của Mỹ… sẽ tác động không tích cực đến thương mại, đầu tư trong nước…

Về môi trường quốc nội, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu đi động lực tăng trưởng bền vững sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính - ngân hàng trong trung và dài hạn.

“Trong lúc đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả xử lý nợ xấu) vẫn còn nhiều thử thách. Năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng vẫn còn chưa vững mạnh”, TS. Lực nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, nhìn từ bối cảnh nội tại của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế dường như chịu nhiều tác động từ tiến độ xử lý các tồn đọng dai dẳng của khu vực doanh nghiệp nhà nước và bất cập trong khu vực tài chính, đặc biệt là việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

Tăng trưởng chậm hơn sẽ làm tăng áp lực nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, với rủi ro sẽ làm đảo ngược những thành quả gần đây về ổn định kinh tế vĩ mô và làm tăng thêm những bất cân đối kinh tế vĩ mô chưa được xử lý triệt để.              

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục