Chiếc xe bus của Công ty Phon Linh đón chúng tôi trên đường Cộng Hòa, rồi từ đó chạy qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia. Chỉ cần 200.000 đồng là lên xe bus và đi thẳng qua nước bạn, chẳng phải lo lắng gì. Quá rẻ cho chuyến đi đường trường qua biên giới.
Dọc đường, từ Bà Vẹt cho tới PhnomPenh, tôi đã để ý thấy rất nhiều căn nhà được xây liền kề. Và trên đó là biển bán nhà. Chủ đầu tư ít tiền thì xây 3-4 căn, người có tiền hơn xíu thì xây 10-15 căn. Đặc biệt, ở thủ đô thì có rất nhiều dự án nhà phố liên kế như vậy. Các căn nhà giống hệt nhau, vuông vức, văn minh. Khác với cách xây nhà tự do tại TP.HCM. Người thì màu trắng, người thì màu đỏ, người thì tường kiếng, người thì tường xi măng.
Một người bạn tại PhnomPenh, khi lái xe đưa chúng tôi đi loanh quanh thành phố chơi, cho biết, nếu như 2 năm trước, giá 1 căn hộ tại trung tâm chỉ chừng 2 tỷ, thì tới nay khoảng chừng 4,5 tỷ rồi.
Những nhà đại gia không thích sống trong trung tâm, kẹt xe, chật chội. Họ thường xây villa ở xa hơn, cách trung tâm chừng 15-20 km. Những căn villa lớn, có người bảo vệ, có tài xế, có người quản gia, đầy đủ tiện nghi, là cách mà giới có tiền lựa chọn, dù có cách xa trung tâm tới bao nhiêu cũng không nề hà.
Ở Campuchia, hầu hết mọi người đều di chuyển bằng xe hơi. Người ít tiền mua xe second-hand. Chỉ cần 300 triệu là có xe hơi ngon lành rồi. Người dư tiền mua xe thiệt sang. Giá xe sang cũng gần bằng giá xe tại Việt Nam, chứ chẳng rẻ hơn được nhiêu.
“Họ chỉ chạy chừng 3-4 năm là đổi xe mới. Nên các xe cũ được bán khá rẻ”, người bạn cho biết.
PhnomPenh ngày càng hiện đại
Tôi thích và ngạc nhiên với sự thay đổi hạ tầng theo chiều hướng tích cực của PhnomPenh. Sang Camphuchia liên tục, nhưng cứ vài 3 tháng, thì lại thấy PhnomPenh có sự khác biệt. Lần trước thì thấy tòa nhà này, lần sau lại thấy tòa nhà khác. Và điều thú vị ở Campuchia, chính là những trảng cỏ thiệt lớn nằm trên rất nhiều công viên trong trung tâm Thành phố. Mặc cho giá đất lên cao chóng mặt, thì người ta vẫn ưu tiên dành đất cho cây xanh, công viên và các vị trí công cộng.
Tại PhnomPenh, người nước ngoài hiện vẫn chưa được sở hữu nhà đất. Trừ khi bạn mở 1 công ty với cam kết hoạt động lâu dài, hoặc cưới cô vợ, ông chồng là người Campuchia.
Những con đường đất đỏ và tối thui ngay tại trung tâm thành phố trước đây, giờ gần như không còn tồn tại nữa. Vào lúc 22h, chúng tôi vẫn thấy đèn đuốc sáng choang, xe hơi nối đuôi nhau có trật tự đi lại trên đường.
Những căn nhà mặt tiền vẫn được ưa chuộng cho sự buôn bán và cũng giống Việt Nam, nếu như có chiếc cầu vượt nào đó băng ngang, thì nhà ở vị trí cầu vượt bị xuống giá hẳn.
Chặng đường từ PhnomPenh đi
Shihanook Ville, gần trung tâm có 1 cây cầu vượt đang được gấp rút hoàn thành và rất nhiều con đường đang được mở rộng. Bụi mù mịt phát tán khắp nơi.
Vào dịp cuối tuần, nhiều nhà đầu tư đi từ thủ đô xuống Shihanook Ville để coi đất. Không khác lắm với tình trạng đi coi đất Cần Giờ hiện nay tại TP.HCM. Ở thành phố biển này, những ngày nghỉ lễ, không thể kiếm được phòng nghỉ tốt nếu như không đặt trước. Cũng giống như Vũng Tàu dịp Tết nhất, nhưng tại đây khác biệt hơn là ít có tình trạng chặt chém xảy ra.
Các nhà hàng hay khách sạn vẫn tính giá như bình thường. Và điều mà du khách ưng ý, là chẳng có cướp giật và ăn trộm. Dù cho cuộc sống của người dân lao động, thu nhập thấp có cách biệt nhiều với tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Mỗi lần qua Campuchia, là thấy thêm sự phát triển. Đôi lúc những con đường tưởng đã quen thuộc rồi, mà giờ quay trở lại, vẫn thấy lạc lối!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com