Tuy nhiên, quy định mới này vẫn vấp phải ý kiến nghi ngờ về tính hữu ích, trong khi việc cần hơn là những quy định về nội dung đào tạo, cũng như quản lý hoạt động sau khi cấp chứng chỉ thì lại chỉ được nói đến một cách khá hời hợt.
Quy định về bằng cấp môi giới nhà đất trên khiến người viết liên tưởng đến câu chuyện tuyển công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) diễn ra cách đây không lâu. Trong đó, nội dung ấn tượng nhất với người viết là quy định: “Không tuyển lao động có bằng đại học” được dán công khai tại bảng tin của Khu công nghiệp.
Để không lọt các cử nhân, kỹ sư “lách” vào làm công nhân, tại bàn tuyển dụng, những người có trách nhiệm đã kiểm tra trực quan bằng cách xem ứng viên phải chai tay mới công nhận trúng tuyển.
Theo số liệu khảo sát mới đây được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, cả nước có 172.000 cử nhân thất nghiệp. Đó là chưa tính con số cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng để đi làm công nhân. Như vậy là nguồn cung cấp các ứng viên cho nghề môi giới bất động sản có trình độ đại học không hề thiếu. Nhưng vì sao, khi đưa quy định về tiêu chuẩn học vấn đối nghề môi giới bất động sản lại bị thị trường phản ứng?
Nói như một vị lãnh đạo doanh nghiệp khi trao đổi với người viết, thì quy định như vậy là “vi phạm nhân quyền”, bởi mọi người đều có quyền chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, khả năng của mình và hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật.
Trong khi đó, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cho biết, một số người xin vào làm nhân viên môi giới của công ty ông cũng tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng như Kinh tế, Ngoại thương, Bách khoa…, nhưng không phải ai cũng trở thành nhà môi giới thực thụ, trong khi, nhiều người làm nghề bán nước, hay xe ôm, lại môi giới được rất nhiều sản phẩm. Do đó, việc đưa ra quy định tiêu chuẩn học vấn với nghề này sẽ tước đi cơ hội nghề nghiệp của rất nhiều người.
Có thể thấy, Ban soạn thảo đang muốn chuyên nghiệp hóa thị trường bất động sản, nhưng xem ra, cơ quan quản lý mới chỉ thấy “cây cong nên tỉa ngọn”, mà quên đi phải sửa từ gốc rễ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự thiếu minh bạch chính là yếu tố dẫn đến sự lộn xộn của thị trường. Những vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến môi giới bất động sản cũng một phần do chính sự thiếu minh bạch của thị trường tạo ra.
Việc đưa quy định tiêu chuẩn học vấn mới được hành nghề môi giới bất động sản vào Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, một lần nữa thể hiện tâm lý trọng bằng cấp vốn đang rất phổ biến ở Việt Nam. Phải chăng, Ban soạn thảo cho rằng, những người mới học hết lớp 12 hoặc thấp hơn không đủ trình độ theo học chương trình đào tạo chứng chỉ môi giới của các trung tâm được Bộ Xây dựng cấp phép?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 89 cơ sở được Bộ Xây dựng cấp phép đào tạo kiến thức về môi giới, định giá bất động sản và quản lý hoạt động các sàn giao dịch bất động sản. Và chỉ cần bỏ ra từ 1,2 - 1,5 triệu đồng theo học một khóa đào tạo, người học có thể đã được xem xét cấp chứng chỉ. Đến nay, Bộ Xây dựng cũng đã cấp hơn 10.000 chứng chỉ các loại cho những đối tượng này. Trong đó, không ít là những người đi học không phải là để hiểu về môi giới, định giá, mà do các sàn cử đi để lấy chứng chỉ cho đủ tiêu chuẩn được cấp phép và hoạt động của sàn giao dịch.
Một phần khá quan trọng để đào tạo nên một môi giới bất động sản chuyên nghiệp là chương trình đào tạo, thời gian học, quản lý sau khi cấp chứng chỉ…, thì vẫn chưa được đề cập đến trong Dự thảo luật. Ngoài ra, Dự thảo luật cũng đã loại bỏ vai trò của Hiệp hội Bất động sản, tổ chức có vai trò quan trọng trong việc quản lý hoạt động và đạo đức nghề nghiệp của những nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp.