Triển vọng tháng 8 khả quan
Khi VN-Index mất mốc 900 điểm vào đầu tháng 7, nhiều công ty chứng khoán đưa các kịch bản cho thị trường, trong đó đề cập đến ngưỡng 930 - 940 điểm và cho rằng, vượt qua mốc này, chỉ số sẽ sớm quay trở lại mốc 1.000 điểm. Thực tế, thị trường sau một thời gian rơi vào tình trạng quá bán (bán quá mức) đã có diễn biến tăng nhẹ.
Theo tính toán của ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietinbank, khi VN-Index quay lại mốc 1.000 điểm, P/E trung bình của thị trường sẽ ở mức 18 lần. Hiện tại, mặt bằng P/E trên thị trường đã giảm về mức hợp lý, do vậy, xác suất VN-Index quay trở lại mốc 1.000 điểm trong quý III là rất cao.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng có góc nhìn lạc quan về xu hướng thị trường khi cho rằng, VN-Index sẽ tiến đến vùng 975 - 996 điểm trong tháng 8. Theo MBS, dư địa cho sự phục hồi ngắn hạn vẫn còn. Hơn nữa, mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp đang đi vào giai đoạn cao điểm, do vậy dòng tiền lớn có dấu hiệu gia tăng giải ngân để đón đầu cơ hội đầu tư. Những nhóm cổ phiếu kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan đồng loạt hút mạnh dòng tiền như nhóm ngân hàng, bất động sản. Bên cạnh đó, có dòng tiền đầu cơ ở các cổ phiếu nhỏ. Đây là hai lực đỡ quan trọng của thị trường, dự báo sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò này trong tuần tới.
Đối với các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận, tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động quá mức. Trong 3 tuần gần đây, chỉ số VN-Index giảm 3%, trong khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) chỉ giảm 0,3%. Ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai ghi nhận mức giảm 0,6%. Đối với nước châm ngòi cho cuộc chiến này, thị trường chứng khoán còn đi ngược xu hướng, chỉ số Dow Jones tăng 3,24%. Do vậy, theo MBS, VN-Index có thêm dư địa phục hồi để bù đắp mức giảm do các phản ứng thái quá xuất hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, một số chuyên gia nhận định, vẫn có rủi ro là chỉ số sẽ điều chỉnh xuống ngưỡng 900 - 910 điểm trước khi quay lại mốc 1.000 điểm.
Cổ phiếu lớn sẽ là nền tảng cho sự hồi phục
Từ giữa tháng 7, thanh khoản trên thị trường chứng khoán cải thiện đáng kể, bình quân sàn HOSE, giá trị giao dịch đạt hơn 4.200 tỷ đồng/phiên, trong khi hai tuần trước đó đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Smallcaps) thu hút dòng tiền trong 4 - 5 phiên gần đây, nhưng theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu nhỏ mang tính nhất thời. Về cơ bản, chỉ số và thị trường chung đang phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (Largecaps), đặc biệt là dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) vẫn có khả năng tập trung ở nhóm cổ phiếu này.
Đồng thời, yếu tố cơ bản của nhóm Smallcaps vẫn chưa thật sự khởi sắc khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ chưa tạo được con sóng nào rõ ràng. Ngoài ra, những đợt sóng quá ngắn của nhóm Smallcaps cũng khiến nhà đầu tư không quá mặn mà tham gia.
“Đã đến thời điểm thích hợp để mua vào nhóm cổ phiếu Largecaps như ngân hàng, chứng khoán, hoặc nhóm cổ phiếu tăng trưởng với mức P/E thấp”, ông Minh nói.
Tất nhiên, cơ hội sẽ xuất hiện tại nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu nhỏ, nhưng chỉ những mã có tính thanh khoản cao cùng kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ, mới thu hút dòng tiền đầu tư.
Trong một thị trường mà nhiều cổ phiếu tốt đang được chiết khấu giá sâu, nhà đầu tư nhận được nhiều khuyến nghị nên tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt, hạn chế mua các mã vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp. Bởi lẽ, nếu thị trường bất ngờ có diễn biến xấu trở lại, nhóm cổ phiếu nhỏ có thể giảm giá rất nhanh và thanh khoản đóng băng.
Đối với nhóm vốn hóa lớn, ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, điện và bán lẻ được nhiều chuyên gia khuyến nghị quan tâm đầu tư. Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ bản tốt cũng ghi nhận diễn biến giảm giá mạnh trong thời gian qua như nhóm ngân hàng gồm ACB, VPB, MBB, VIB, VCB…, nhóm bất động sản gồm DXG, NLG, HDG…, nhóm điện gồm POW, REE, NT2…, nên có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi thị trường hồi phục.