Kỳ vọng việc Fed sớm cắt giảm lãi suất bị dập tắt, giới đầu tư ồ ạt bán ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên thứ Tư (10/4), khi giới đầu tư chuyển sang tâm trạng lo lắng hơn bởi dữ liệu CPI tháng 3 nóng hơn dự báo và dập tắt hy vọng Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng Sáu.
Kỳ vọng việc Fed sớm cắt giảm lãi suất bị dập tắt, giới đầu tư ồ ạt bán ra

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng đã tăng 0,4% và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn tốc độ 3,2% của tháng 2. Một lời nhắc nhở đối với thị trường rằng con số này còn cách rất xa mục tiêu 2% của Fed.

Trước đó, các nhà kinh tế dự báo ​​​​mức tăng CPI theo năm là 3,4%. Tốc độ tăng mạnh mẽ của lạm phát được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi phí nhà ở và xăng dầu.

Trong khi đó, chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp các chỉ số này tăng, thiết lập chuỗi tăng nóng nhất kể từ năm ngoái.

"Nếu lạm phát là con số duy nhất gây thất vọng ngày hôm nay, tôi sẽ nói rằng chúng ta đang phản ứng thái quá, nhưng đây đã là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này đã tăng cao hơn dự kiến. Vì vậy, lo ngại đã gia tăng rằng lạm phát không được kiểm soát và do đó Fed khó có thể hạ lãi suất sớm”, Bob Doll, Giám đốc điều hành tại Crossmark Global Investments cho biết.

Giới phân tích đã cắt giảm đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 sau báo cáo CPI, ước tính rằng ngân hàng trung ương sẽ đợi đến tháng 9 trước khi thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt sau khi dữ liệu được công bố, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng trở lại 4,5008%, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Kết thúc phiên 10/4: Chỉ số Dow Jones giảm 422,16 điểm (-1,09%), xuống 38.461,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 49,27 điểm (-0,95%), xuống 5.160,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 136,28 điểm (-0,84%), xuống 16.170,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu hồi phục về cuối phiên sau nhịp giảm mạnh thời điểm đón nhận chỉ số CPI của Mỹ và các nhà đầu tư chuyển trọng tâm sang quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 tăng 0,15% lên 506,59 điểm, với các ngân và ngành năng lượng dẫn đầu, tăng lần lượt 0,9% và 0,6%.

Thị trường tài chính hiện đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất là Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến tháng 9, sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao hơn dự kiến vào tháng 3.

Trọng tâm bây giờ của thị trường chuyển sang cuộc họp chính sách của ECB vào thứ Năm, dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định.

"Đối với ECB, họ không chỉ cân nhắc liệu lạm phát có tăng trở lại hay không mà còn cố gắng cân bằng để không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng cũng không để lãi suất quá cao quá lâu", chiến lược gia thị trường châu Âu Michael Field của Morningstar nhận định.

Phiên này, cổ phiếu công nghệ đảo chiều tăng từ sắc đỏ, sau khi đón nhận kết quả kinh doanh từ nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC.

Kết thúc phiên 10/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 26,42 điểm (+0,33%), lên 7.961,21 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 20,61 điểm (+0,11%), lên 18.097,30 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 3,79 điểm (-0,04%), xuống 8.045,38 điểm.

Giá dầu thô tăng tốc trở lại, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Hamas, làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể bị đình trệ.

Kết thúc phiên 10/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,98 USD (+1,20%), lên 86,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,06 USD (+1,20%), lên 90,48 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục