Kỳ vọng vào những mũi đột phá

(ĐTCK) Năm 2016, trong Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, đã có thêm một số doanh nghiệp tư nhân ghi danh vào bảng xếp hạng này. Nhưng với số đông, đó vẫn là những thực thể manh mún, cần một chính sách đột phá tổng thể để kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Nhiều nút thắt mong được gỡ

Trong số gần 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng Chính phủ trong cuộc đối thoại hồi tháng 5 năm nay, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ lớn. Đó là những khó khăn, bất cập mà thực tế kinh doanh của họ đang mắc phải và họ kỳ vọng rằng, “chính phủ kiến tạo và hành động” sẽ sớm lắng nghe, gỡ bỏ những rào cản để doanh nghiệp có thể bứt phá.

Chẳng hạn, cuối năm 2011, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh đăng ký thực hiện loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất, đồng thời tiến hành nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh dùng làm nguyên liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu.

Do chưa có các quy định cụ thể về kiểm dịch và an toàn thực phẩm nên Cục Thú y đã có các văn bản chỉ đạo Cơ quan Thú y Vùng II lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của các lô hàng nhập khẩu.

Sau khi Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực, Công ty nhận thấy các chỉ tiêu và mức giới hạn mà Cơ quan Thú y Vùng II xét nghiệm, làm căn cứ cấp giấy chứng nhận đều là các chỉ tiêu và mức giới hạn về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thịt đông lạnh.

Như vậy, công văn chỉ đạo của Cục Thú y và kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của Cơ quan Thú y Vùng II chính là căn cứ để cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm cho người.

Công ty mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép Công ty sử dụng văn bản chỉ đạo của Cục Thú y (cấp 3 tháng/lần) và bộ hồ sơ hải quan để thông quan các lô hàng là nguyên liệu thực phẩm do doanh nghiệp nhập về sản xuất hàng xuất khẩu, mà không cần nộp kết quả kiểm tra nhà nước khác về kiểm dịch, an toàn thực phẩm khi làm thủ tục hải quan, nhằm giảm thiểu và đơn giản các thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản lại gặp khó khăn khác. Đó là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa chặt chẽ, việc triển khai giải quyết công việc điện tử liên thông chưa áp dụng triển khai, tinh thần làm việc của đội ngũ công chức có chỗ có nơi còn chưa hết trách nhiệm, chậm trễ kéo dài qua nhiều khâu, tốn thời gian và doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Cũng có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về nạn giấy phép con. Đơn cử, Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta (Thanh Hóa) đề nghị rà soát, điều chỉnh việc bắt buộc phải xin cấp giấy phép con đối với một số lĩnh vực không phải là nhạy cảm, ngành nghề bị hạn chế. Ví dụ, doanh nghiệp bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh vận tải mới được vận chuyển hàng hóa.

Nhiều giấy phép con vẫn tồn tại là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa bớt gánh nặng chi phí. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy, 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ, 70% doanh nghiệp quy mô vừa tham gia khảo sát cho biết, hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Khoảng 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 13% doanh nghiệp nhỏ, 10% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết, chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bức xúc trích dẫn báo cáo của Công ty kiểm toán quốc tế PwC nghiên cứu 22 nước có khai thác khoáng sản cho thấy, không tìm thấy nước nào thu 17 loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhiều như ở Việt Nam hiện nay. Mỗi tấn quặng khai thác phải chịu nhiều loại thuế, phí, hàng loạt khoản thu các loại.

Tương tự, một doanh nghiệp muốn khai thác mỏ, phải nộp tiền cấp quyền khai thác ngay trước khi khai thác và nộp một lần; doanh nghiệp phải thay đổi theo giá tính thuế tài nguyên hàng năm nếu thuế tài nguyên thay đổi thì tiền cấp quyền khai thác lại phải tính lại. Trong khi đó, về thực chất, tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên là trùng nhau.

Thay đổi để tiến lên

Tại Diễn đàn Kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng rất “mỏng” của các doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử, chỉ có 1,82% doanh nghiệp có quy mô vừa và 2,07% doanh nghiệp có quy mô lớn, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.

Đa số doanh nghiệp sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước, 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu, 52% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu, 19% lệ thuộc vào bí quyết công nghệ và số cán bộ có kỹ thuật chuyên môn chỉ đạt 7%.

Trong giai đoạn mới, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nhất định phải đầu tư tập trung, có trọng điểm. Lấy ví dụ các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, để đạt được mục tiêu phát triển rút ngắn đã phải trải qua quá trình giải mã công nghệ, bắt đầu bằng việc thu thập công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng từng bước nâng cao và kết hợp với nền khoa học kỹ thuật trong nước, từ sản xuất lắp ráp linh kiện, từng bước đổi mới nâng cao năng lực và phát triển nền công nghệ kỹ thuật cao.

Kinh nghiệm đó cho thấy, chính sách công nghiệp cần tạo ra bầu không khí hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân hơn là chỉ đơn thuần cung cấp các ưu đãi tài chính.

Theo đó, Chính phủ cùng với khu vực tư nhân xác định vấn đề cơ hội và các giải pháp nhằm khuyến khích đầu tư phát triển một số ngành ưu tiên và hỗ trợ các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển. Theo vị chuyên gia này, cần dựa vào cả “cà rốt” và “cây gậy” để hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực được xác định ưu tiên phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến việc xây dựng thể chế để doanh nghiệp tư nhân tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực. Đơn cử, khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Ông Bình cũng đề cập đến việc cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả thị trường tài chính, gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó là các giải pháp phát triển đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức tài chính vi mô…

Để nền kinh tế “đi” bằng nhiều “chân”, trong đó có kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, có rất nhiều việc đang chờ giải quyết, trong đó quan trọng nhất là xây dựng thể chế, để khơi thông các dòng chảy kinh tế. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Trung
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục